Chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Hậu Giang từ khi chia tách đến nay đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Nhưng cũng có những dự án lớn giao đất cho nhà đầu tư đã lâu mà chẳng thấy triển khai, hoặc triển khai với tốc độ "rùa bò", không những gây lãng phí đất đai, tiền của mà còn tác động rất lớn đến an sinh xã hội trong vùng dự án...

Lãng phí từ những dự án chậm tiến độ ở Hậu Giang

Gần hai năm khởi công, dự án khách sạn năm sao Hậu Giang Diamond Plaza vẫn chưa thấy đâu


"Ðất vàng" bỏ hoang!


Cách đây gần hai năm (2009), người dân Hậu Giang rất tự hào và vui mừng khi chứng kiến lễ khởi công dự án khách sạn năm sao Hậu Giang Diamond Plaza ngay trung tâm thành phố trẻ Vị Thanh, đánh dấu một bước phát triển đáng kể của đô thị trung tâm tỉnh. Với vị trí "đắc địa", chiếm diện tích 9.500 m2 nằm tiếp giáp bốn mặt là đường, mặt chính nằm trên đường 1-5 tiếp giáp với mặt sông rất lý tưởng để xây dựng khách sạn. Dự án này do Công ty cổ phần Bất động sản AIC làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình có chiều cao 30 tầng, trong đó có hai tầng hầm, hai tầng là khu mua sắm, siêu thị, các khu văn phòng cho thuê, phòng nghỉ, khách sạn và căn hộ cao cấp. Trong khách sạn cũng bao gồm có nhà hàng Âu - Á, cảnh quan cây xanh, câu lạc bộ vui chơi giải trí cao cấp. Trung bình mỗi tầng có 30 phòng, với diện tích từ 40 đến 300 m2.


Ðây là khách sạn lớn nhất ở ÐBSCL, để thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến với Hậu Giang, ngoài ra còn là trung tâm thương mại mua sắm cho tỉnh và cả khu vực ÐBSCL. Dự án này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, mà còn góp phần hoàn thiện không gian đô thị của thành phố trẻ Vị Thanh. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà đầu tư liên tục hối thúc địa phương sớm bàn giao mặt bằng sạch, nhưng từ khi được giao đến nay đã gần hai năm chẳng thấy làm gì, chủ đầu tư thì không thấy đâu, dự án hiện chỉ là một bãi đất trống không với bốn bề là hàng rào dựng tạm bằng tôn xiêu vẹo...


Dự án Khu dân cư đô thị Dầu khí phường 5, TP Vị Thanh, nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm TP Vị Thanh, đoạn giao nhau giữa đường Tây Sông Hậu và đường Hậu Giang cũng được xem là khu "đất vàng". Dự án này có diện tích 66 ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng do Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí thuộc Petrovietnam làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn I, dự án sẽ triển khai xây dựng trên diện tích 27,6 ha với nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý IV-2008 đến quý I-2010 sẽ hoàn thành. Theo thiết kế, đây là dự án khu dân cư, đô thị hiện đại nhất ở TP Vị Thanh, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bao gồm: Nhà ở, trung tâm thương mại, chợ, trung tâm y tế, trường học, công viên... Sau khi hoàn thành dự án sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 10 nghìn dân trong tỉnh.


Ai cũng mừng vì dự án này có vị trí quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh. Song, từ ngày khởi công (28-10-2008) đến nay gần ba năm, nhưng dự án chỉ mới san lấp mặt bằng được 90% diện tích và đang triển khai thi công phần cống thoát nước. Nhiều người dân sống trên đường Tây Sông Hậu - đối diện với khu đất dự án, nói rằng: Mấy năm rồi mà chưa nên hình nên vóc gì cả. Bên ngoài nhìn vào chỉ toàn là cỏ hoang, nên bà con ở đây hay ví von là "dự án thảo nguyên xanh".


Không riêng gì ở các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại, du lịch... đang bị các nhà đầu tư "ngâm", mà ở các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh cũng bị các nhà đầu tư triển khai kiểu "câu giờ", thậm chí bỏ dở. Ðiển hình như Dự án Nhà máy Giấy ở Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (huyện Châu Thành) do Tập đoàn Giấy Lee & Man (Hồng Công - Trung Quốc) đầu tư. Nhà máy này có diện tích 210 ha, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Ðược khởi công xây dựng từ tháng 8-2007 và theo kế hoạch, nhà máy này sẽ hoạt động sau 14 tháng thi công. Thế nhưng, qua hơn bốn năm, dự án này chỉ có một tường rào xây dở dang nằm trơ trọi giữa một bãi đất rộng mênh mông cỏ dại, lau sậy mọc um tùm và một nhà kho ba gian xây nham nhở...


Cần mạnh tay trong xử lý!


Thông qua những lần lãnh đạo tỉnh mời làm việc vì sự chậm trễ trong triển khai, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, do tình hình khó khăn chung của lĩnh vực đầu tư bất động sản... Thực tế, để giao "đất sạch" cho nhà đầu tư, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, lý do triển khai chậm mà nhà đầu tư đưa ra chỉ đúng một phần đối với một số dự án, phần lớn chủ yếu là do năng lực tài chính của nhà đầu tư và không loại trừ khả năng có ý "giữ chỗ". Những dự án triển khai kiểu "rùa bò" nói trên là một sự lãng phí rất lớn về công sức, tiền của, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của địa phương và đời sống của người dân trong vùng dự án.


Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh nhìn nhận, đối với địa phương, đây cũng là bài học kinh nghiệm lớn trong kêu gọi thu hút đầu tư. Vì thế, quyết tâm của tỉnh là không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng của dự án, nhằm góp phần giúp chuyển dịch nhanh từ tỉnh thuần nông sang tỉnh có công nghiệp - thương mại - dịch vụ mạnh. Vấn đề bây giờ là tìm giải pháp khắc phục, không để tình trạng lãng phí kéo dài thêm nữa.


Theo đó, tỉnh sẽ rà soát lại tất cả dự án đầu tư trên địa bàn và sẽ xử lý nghiêm, thu hồi giấy chứng nhận đối với những nhà đầu tư triển khai chậm, có ý giữ chỗ, xin dự án nhằm để bán lại kiếm lời... Riêng đối với dự án khách sạn năm sao, UBND tỉnh Hậu Giang cũng vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần Bất động sản AIC và thống nhất điều chỉnh dự án này sang xây dựng Khu phức hợp khách sạn - Văn phòng - Trung tâm thương mại và căn hộ AIC Hậu Giang, theo tiêu chuẩn bốn sao, với tổng diện tích đất hơn 8.700 m2. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn I (2011-2013) khoảng 400 tỷ đồng và giai đoạn II (2013-2015) khoảng 800 tỷ đồng. Dự án Nhà máy giấy Lee & Man, sau nhiều lần cam kết, đầu tháng 10 này cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện trở lại...


Người dân đang kỳ vọng trong việc kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi một số dự án lớn nếu không đẩy nhanh tiến độ sẽ có tác dụng. Và cũng mong rằng, việc cho điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, thay đổi quy mô, công năng của dự án, hoặc làm cam kết thi công... không phải là "chiêu" mà trước đây một số nhà đầu tư đã từng làm để kéo dài thời gian (!?)

Theo Phùng Dũng (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland