Một dự án hiếm hoi đã được triển khai tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt). Ảnh: Đại Phong |
Tại Kết luận Thanh tra công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 9 dự án chậm triển khai và 34 dự án đã được giao đất, nhưng sau 12 tháng vẫn chưa khởi công xây dựng.
Đến hết năm 2010, toàn tỉnh Lâm Đồng có 144 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký 31.883 tỷ đồng, tổng diện tích đất gần 11.800 ha. Đây cũng là địa phương xuất hiện 37 siêu dự án với diện tích chiếm đất bình quân 100 - 700 ha/dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, chỉ có 21/144 dự án được cấp phép đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng (chiếm 14,6%). Các dự án này mới chỉ nộp vỏn vẹn 124,4 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, dù địa phương đã được cấp đất sạch, nhưng nhiều dự án đã quá 36 tháng mà vẫn không triển khai.
Theo ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức rà soát toàn bộ các dự án, kiểm tra thực tế tại hiện trường và làm việc với các chủ đầu tư để có các biện pháp xử lý thỏa đáng.
Kết quả từ đợt rà soát, kiểm tra các dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 19 dự án đầu tư của các doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp tục triển khai dự án. Trong số này, nhiều dự án chậm triển khai đã bị thu hồi, như Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Đạ Tẻh của Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Minh Nhựt (vốn đầu tư 168 tỷ đồng, được cấp phép ngày 19/1/2009); Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Bạc của Công ty cổ phần Trúc Phương; Dự Khu liên hiệp vui chơi giải trí Sapung của Công ty TNHH du lịch Jinsung; Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Tuyền Lâm của Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex…
Có những dự án quá lâu không đầu tư để xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng, như Dự án Khu du lịch Đông Dương (229 ha), có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 368 tỷ đồng do Công ty TNHH Miền Nhiệt Đới Đà Lạt làm chủ đầu tư. Lý do thu hồi là các dự án này đã nhận bàn giao đất rừng, nhưng chưa thực hiện đầu tư, hoặc tiến độ đầu tư chậm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích khối lượng lâm sản thiệt hại lớn. Hoặc như Dự án Xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) của Công ty TNHH KGIM (Hàn Quốc) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gồm sân golf, khách sạn phục vụ hội nghị hội thảo, khu vui chơi giải trí trên diện tích 219 ha với tổng vốn đầu tư 95 triệu USD, nhưng nhiều năm không bổ sung đầy đủ các thủ tục, giấy phép nên đã bị thu hồi…
Ngoài ra, các dự án như Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vị cao cấp Phương Nam Việt của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Nam Việt; Điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Nhà Xanh của Công ty TNHH Nghĩa Phước; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái rừng, kết hợp trồng cây công nghiệp đặc thù của địa phương và quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH ĐTL; Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Paradise của Công ty cổ phần Thái Bình Dương Đà Lạt… đều nằm trong danh sách bị “khai tử” đợt này.