Thời gian gần đây, nhiều công trình kiến trúc xanh do các kiến trúc sư (KTS) nước ta thực hiện đã được vinh danh, thúc đẩy bộ môn kiến trúc này ngày một phát triển.
Nhiều lợi ích
Từ 2015, Hội KTS Việt Nam đã ban hành “Tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam” với 5 nội dung cơ bản, vừa định tính, vừa định lượng, giúp người thiết kế kiến trúc dễ dàng tìm kiếm ý tưởng, giải pháp để tạo ra một công trình theo hướng mong đợi của Kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21 - đó là xu hướng Kiến trúc bền vững, Kiến trúc xanh mà cả thế giới đang theo đuổi. Theo giới chuyên môn, kiến trúc xanh cần đáp ứng tốt nhất hai nội dung cơ bản, gồm “kiến trúc” (đẹp về bản sắc dân tộc, tiên tiến và đẹp cả về mặt xã hội, nhân văn) và “Công trình xanh” (thân thiện với môi trường, bảo tồn được các hệ sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và có hiệu quả cao về năng lượng).
Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh – công trình vừa giành giải Vàng giải thưởng kiến trúc xanh lần thứ 4.
Không khó để nhận ra, hiện nay Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của con người. Chính vì thế, việc có nhiều công trình kiến trúc xanh ra đời được xem là giải pháp góp phần giúp con người có cuộc sống chất lượng, đảm bảo hơn. Trên thực tế, kiến trúc xanh đem lại nhiều lợi ích cho con người. Đó là lợi ích môi trường khi kiến trúc xanh thúc đẩy và bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng không khí và nước, giảm chất thải rắn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Theo các chuyên gia, nếu so sánh với một công trình thương mại thông thường, công trình xanh sẽ sử dụng ít hơn 26% ít năng lượng, chi phí bảo trì ít hơn 13% và lượng phát thải nhà kính ít hơn 33%.
Trong khi đó, ở lợi ích kinh tế, kiến trúc xanh giảm chi phí trong quá trình sử dụng (điện, nước...) công trình và khả năng thu hồi số tiền đầu tư xây dựng nhanh hơn. Và kiến trúc xanh còn đem lại lợi ích xã hội khi tạo môi trường thân thiện cho người sử dụng ở nhiều khía cạnh, bao gồm chất lượng không khí trong nhà tốt hơn, tối ưu hóa sự thoải mái mọi công năng trong công trình. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng các yếu tố thiết kế của kiến trúc xanh làm giảm sự xuất hiện của bệnh liên quan đến đường hô hấp, triệu chứng dị ứng và hen suyễn.
Không ngừng phát triển
Tại Việt Nam, kiến trúc xanh đã và đang là lựa chọn của nhiều KTS bởi những lợi ích kể trên. Đến nay, công chúng không còn xa lạ với KTS Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa khi hai người này đã có các công trình kiến trúc xanh vươn tầm quốc tế. Điển hình KTS Hoàng Thúc Hào với công trình “Hoa rừng” đã thể hiện được sự trung hòa từng nhận Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế International Architecture Award 2017 (IAA 2017). Trong khi đó, KTS Võ Trọng Nghĩa nhiều lần được vinh danh ở cấp độ thế giới với những công trình kiến trúc xanh được làm bằng tre, nứa... vừa thân thiện với môi trường nhưng chứa đựng nét văn hóa và tính hiện đại, như công trình “Binh’s house” giành giải thưởng tại Festival Kiến trúc Thế giới WAF 2017 vừa qua.
Gần đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã trao Giải thưởng kiến trúc xanh lần thứ 4.
Theo đó, năm nay có 3 giải Vàng được trao cho công trình đã đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của ban giám khảo. Điển hình, “Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh” (tác giả Nguyễn Trường Lưu) có kiến trúc độc đáo, mang hình dáng của chiếc thuyền vươn ra biển lớn. Các khu vực ban công, lối cầu thang của tòa nhà trồng nhiều cây xanh tạo nên một không khí dễ chịu, thoải mái. Trong khi đó, các lối cầu thang được tô màu bắt mắt và vẽ nhiều bức tranh lớn về chủ đề thiếu nhi, các nhân vật hoạt hình...Và ở công trình này còn có các phòng chức năng như phòng âm nhạc, phòng dạy mỹ thuật, phòng chiếu phim... Đặc biệt, khu vực tầng thượng công trình được tạo dựng không gian rộng như một công viên nhỏ với nhiều bồn cây, mái che bao quanh cùng cây leo xanh tươi.
Hoặc giải Vàng trao cho KTS Mai Lan Chi, Marek Obtulovic cùng thiết kế công trình V+H Family House (đặt tại Hà Nội). Công trình này đã tạo ra không gian sống thoải mái cho gia đình 4 người trong một diện tích nhỏ. Một không gian sống nối tiếp được chia nhỏ bằng nội thất và sân vườn. Khu vực mái che được bao phủ bởi những khu vườn mở, nơi gia đình có thể trồng rau và hoa quả. Các không gian chức năng trong nhà được phân cách vô hình bởi cây xanh và thực vật vừa với mục đích trang trí, vừa thay thế cho các bức tường cổ điển. Đặc biệt, công trình được thiết kế từ các vật liệu như gạch, ngói và các thủ pháp xây dựng thủ công, đồng thời sử dụng các biện pháp chiếu sáng tự nhiên tận dụng gió và ánh nắng mặt trời.
Nhiều ý kiến đánh giá, khi Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang đối mặt với tình trạng khí hậu toàn cầu đang dần biến đổi với lượng bụi, khí thải tăng gấp nhiều lần so với trước đây, cùng với quá trình đô thị hóa đất chật người đông, phân bố không đều thì kiến trúc xanh với không gian sống rộng mở, có tính kết nối với thiên nhiên là lựa chọn tối ưu đảm bảo chất lượng cuộc sống.