Nhiều năm nay, kiến trúc đô thị Hà Nội luôn là "nỗi buồn" của hầu hết các giới, từ nhà quản lý, chuyên môn đến số đông dân cư. Nếu như mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại cho đời sau những di sản kiến trúc mang đậm dấu ấn thời đại, thì giờ đây, chúng ta không khỏi giật mình khi nhìn vào sự bất cập của bộ mặt kiến trúc Thủ đô.

Một kiểu nhà siêu mỏng tại phố Xã Ðàn, Hà Nội.

Những nét tương phản ở phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội nay xuyên suốt 13 thế kỷ. Theo các nhà nghiên cứu, phố cổ Hà Nội có các mẫu kiến trúc đặc trưng truyền thống gồm: kiến trúc nhà cổ truyền thống Việt Nam; kiến trúc Trung Hoa; kiến trúc thời thuộc Pháp và kiến trúc giai đoạn 1954 -1986, nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp với nhà thấp tầng, mái dốc. Phố cổ Hà Nội đậm nét đặc trưng về cấu trúc khu đô thị cổ và đặc trưng về kinh tế, tức là phố nghề. Xen lẫn với các công trình kiến trúc nhà ở là các di tích tôn giáo, lịch sử, văn hóa... Các lễ hội gắn với đình, đền, chùa, di tích cùng văn hóa, lối sống của người dân trong khu phố cổ tạo nên bản sắc riêng tự bao đời. Theo thống kê của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trong tổng số 550 công trình có giá trị thì có tới 215 công trình có giá trị đặc biệt. Với số dân khoảng 66 nghìn người và 15 nghìn hộ dân đang cư trú, do không kiểm soát được gia tăng cho nên mật độ dân số tại đâythuộc hàng cao nhất thành phố với khoảng hơn 850 người/ha. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị quá tải nghiêm trọng, chỉ tiêu về cây xanh, về giao thông tĩnh... đều bị phá vỡ. Sự thay đổi của nhu cầu cuộc sống hiện đại dẫn đến kiến trúc không gian khu phố cổ đang có nhiều biến động. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một phần do người dân tự ý cải tạo, nâng cấp, thậm chí ngang nhiên phá bỏ để xây dựng nhà ống bằng bê-tông cốt thép. Có thể nhận thấy, chỉ khu vực mặt phố quanh hồ Hoàn Kiếm và một đoạn ngắn gần 100 m ở phố Tạ Hiện là "sạch sẽ" với kiến trúc tương đối đồng nhất và đẹp mắt. Còn lại, hầu hết các tuyến phố hiện đã nát tươm vì tình trạng xây dựng bát nháo, mạnh ai nấy làm. Trên phố Hàng Ðiếu, nơi đặt trụ sở UBND phường Cửa Ðông, nhà dân chung quanh được gia cố, cơi nới muôn hình vạn trạng, nhan nhản ba-lô, chuồng cọp treo lơ lửng ngoài mặt phố. Những công trình được thuê để làm khách sạn, cửa hàng hoặc đại lý du lịch được chồng cao năm, sáu tầng. Tại số 27 Hàng Bông; số 29, 31 Hàng Mắm; số 1 Ngõ Gạch; số 4A, 14, 16 ngõ Bảo Khánh... đầy rẫy những công trình cao bảy, tám tầng với kiến trúc kỳ quái thò ra thụt vào. Thậm chí tại số 42 Hàng Trống là căn nhà năm tầng vừa mới xây có bề ngang chỉ khoảng 1,5 m, lọt thỏm, chênh vênh giữa con phố chật hẹp. Chưa kể, hàng loạt những căn nhà nằm sâu trong ngõ còn vi phạm nghiêm trọng hơn khi cao tới bảy, tám tầng với quy mô hoành tráng, lấn át hoàn toàn không gian chung... Theo Thanh traXây dựng thành phố, hầu hết công trình xây mới trong phố cổ đều sai phạm. Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Quyết định 45 trước đây ban hành từ năm 1995 và Ðiều lệ tạm thời về quản lý ban hành từ năm 1999 của UBND thành phố đã như chiếc áo quá chật dẫn đến việc quản lý kiến trúc phố cổ gặp vô vàn khó khăn. Ngay cả 1.081 công trình có giá trị được xác định từ năm 1999 nay chỉ còn lại hơn 500 công trình cũng đã biến dạng nhiều, nguyên nhân cũng là do quản lý yếu kém. Trong khi đó, công cuộc bảo tồn và tôn tạo di tích phố cổ lại triển khai rất chậm chạp. Suốt hơn chục năm trời chỉ có bốn công trình đơn lẻ được cải tạo là: nhà cổ 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 44 Hàng Bạc, đình Ðồng Lạc 38 Hàng Ðào và Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm. Phải đến năm 2010, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và có sự hỗ trợ của thành phố Tu-lu-dơ (Pháp) mới tiếp tục thực hiện được một dự án "lớn" là bảo tồn mặt ngoài một đoạn tuyến phố Tạ Hiện hơn 50 m. Mới đây, đại diện Ban quản lý phố cổ cho biết, từ cuối năm 2012 đã tiến hành trưng cầu ý kiến của người dân để tiếp tục cải tạo, chỉnh trang phố Lãn Ông.

Hiện Hà Nội đang xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 để làm căn cứ quản lý, cấp phép đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, chỉnh trang. Cùng với Quy chế này và sắp tới là Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 quy định về việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu phố cổ Hà Nội, Dự án giãn dân phố cổ của thành phố cũng cần được triển khai khẩn trương, hiệu quả để giúp cho bộ mặt 36 phố phường dần khắc phục những tổn thất nặng nề thời gian qua.

Nhà siêu mỏng, siêu méo - "cuộc chiến" không hồi kết?

Có thể thấy, hầu hết các tuyến đường mới mở ở Hà Nội thiết kế đô thị bao giờ cũng đi sau mở đường cho nên tình trạng xây dựng lộn xộn không ngăn chặn được. Năm 2007, Hà Nội thông xe đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có chiều dài 550 m với tổng mức đầu tư 642 tỷ đồng, được coi là "đắt nhất hành tinh", tính trung bình mỗi mét chiều dài tốn hơn một tỷ đồng. Tuyến đường có mặt cắt 50 m vớisáu làn xe cơ giới, bốn làn xe thô sơ được coi là con đường hiện đại nhất Hà Nội vào thời điểm đó, song khi vừa hoàn thành cũng đồng thời cho ra đời những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đủ các hình dạng nham nhở. Tháng 2-2010, nút giao thông Thanh Xuân được thông xe sau một năm xây dựng giúp nối thông tuyến vành đai 3 từ Mai Dịch đến Linh Ðàm, dẫn đến sự xuất hiện hàng loạt nhà ống cao chót vót bên cạnh những ngôi nhà cũ quay lưng ra đường. Cái nhô ra, cái thụt vào, cái nằm chéo với mặt đường. Có ngôi nhà hình thang ba tầng trong khi tầng một chỉ chưa đầy 10 m2 nhưng các tầng trên đua ra chiếm khoảng không khá lớn. Khu vực chân cầu Vĩnh Tuy khi hoàn thành giai đoạn 1 năm 2010 cũng không là ngoại lệ với những ngôi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng ban-công tầng hai, tầng ba đua ra hàng mét; đặc biệt có những ngôi nhà chỉ chừng dăm, bảy m2 nhưng khi xây lên ban công đua ra cả mặt trước và sau nên trông giống hình... chữ T! Hiện TP Hà Nội đang chuẩn bị đầu tư xây dựng đường vành đai 1, đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Voi Phục, có chiều dài 2,7 km. Tuy nhiên, cũng như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, phương án quy hoạch và xây dựng tuyến phố hai bên đường không được tính đến. Dự kiến có khoảng gần 3.000 hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng với số tiền dự kiến đắt gấp 8,3 lần số tiền xây dựng đường. Và tương lai, sự tiếp tục ra đời một con đường đắt đỏ với kiến trúc nhà cửa lộn xộn là điều không tránh khỏi.

Theo quy định của thành phố, đất dưới diện tích 30 m2 không được xây dựng quá hai tầng, nhưng trên thực tế nhiều nhà mặt đường các tuyến phố ở Hà Nội,nhất là các tuyến mới mở đã không thực hiện đúng quy định này, tình trạng nhà siêu nhỏ, siêu mỏng với đủ kiểu kiến trúc kỳ dị tồn tại kéo dài và liên tục "tái xuất". Bài toán "gỡ" nhà siêu méo, siêu mỏng đã trở thành đề tài "nóng", khiến các sở, ngành đau đầu suốt gần chục năm qua. Mới đây, theo Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội đến hết tháng 3-2013, các quận, huyện mới chỉ xử lý được 345/597 trường hợp, còn lại xin "khất" đến hết quý II-2013. Hà Nội hiện còn rất nhiều công trình, thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, con số hơn 200 trường hợp tồn đọng chỉ là dựa trên những báo cáo chính thức. Thực tế còn rất nhiều "thảm họa kiến trúc" mọc san sát trên các tuyến phố mới mở, phổ biến như Xã Ðàn, Ðào Tấn, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, dọc đường 32, khu vực ngã tư Nhổn...

Có thể nói, công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng sự phát triển của xã hội, nhất là việc quản lý xây dựng nhà dân của nhiều cấp, ngành, địa phương còn hết sức lỏng lẻo. Những đường phố mới tuy rộng rãi thênh thang nhưng nhà cửa hai bên đường lại nhỏ bé, tủn mủn với một trật tự và kiến trúc hết sức lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Hệ thống cây xanh đường phố, tiện nghi môi trường còn thiếu. Quy định về quản lý kiến trúc các công trình cho đường phố, tuyến phố mới mở, mở rộng đã được quy định cụ thể trong Nghị định về quản lý kiến trúc đô thị và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, nhưng sự lộn xộn vẫn tồn tại lâu nay chính là trách nhiệm thuộc về công tác quản lý của chính quyền từ cấp cơ sở; cao hơn nữa là tầm nhìn quy hoạch, chiến lược và quản lý thực hiện kèm theo một hệ thống chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập của thành phố và ngành xây dựng.

Ðô thị mới có thật sự văn minh, hiện đại?

Nhiều năm qua, sự tồn tại các khu tập thể cũ nát với tình trạng sửa chữa, cơi nới chuồng cọp tự do, trái phép gây mất an toàn và mỹ quan đô thị là chuyện "xưa rồi". Ðiều đáng nói, sự xuất hiện các khu đô thị mới, chung cư cao cấp, bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm khu đô thị mới với diện tích hàng chục nghìn ha, số dân khoảng hơn hai triệu người, trong đó có nhiều khu đô thị đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng như Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Ðình - Mễ Trì, Mỹ Ðình II, Ciputra...; còn lại một số đang triển khai xây dựng, một số đã được phê duyệt quy hoạch, đang giải phóng mặt bằng hoặc mới bắt đầu thi công hạ tầng. Theo Ðồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 với định hướng là xây dựng TP Hà Nội trở thành một đô thị xanh văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, tổ chức không gian đô thị sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn. Theo tinh thần của Quy hoạch, việc triển khai mô hình các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội đã góp phần tích cực giải quyết chỗ ở cho người dân, tạo không gian đô thị mới kiến trúc hiện đại, chất lượng dịch vụ được nâng cao, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, khớp nối với các khu dân cư hiện có mang lại những không gian mới theo hướng tích cực cho người dân sinh sống. Một số khu đô thị đạt mức độ khá và cao cấp như Linh Ðàm, Việt Hưng, Ciputra...Tuy nhiên, bên cạnh đó, các khu đô thị mới hiện nay còn thể hiện nhiều bất cập dễ nhận thấy. Ðó là tính tự phát trong kiến trúc, không có sự gắn kết trong tổng thể. Bản sắc các khu đô thị có lối kiến trúc nhang nhác giống nhau với hình ảnh quen thuộc là các công trình nhà cao tầng nằm co cụm một góc, chung quanh có các biệt thự, nhà thấp tầng, nhà ở liền kề lọt thỏm hoặc xen giữa; không có nhịp điệu ăn khớp của các công trình nhà cao tầng trong cùng một dự án hoặc đan xen không khớp nối về thẩm mỹ với các dự án chung quanh; các khu biệt thự, nhà liền kề pha tạp nhiều hình thái kiến trúc, mầu sắc; mật độ xây dựng cao và hệ số sử dụng đất quá lớn dẫn đến thiếu không gian mở, không gian công cộng cho quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước... và các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trạm y tế, bãi đỗ xe...Bên cạnh đó, vấn đề giao thông, thoát nước, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng... của nhiều khu đô thị còn chưa tốt. Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại cửa ra vào các khu đô thị mới như Ðịnh Công, Bắc Linh Ðàm, Ðại Kim...Ðộ cao nền của khu đô thị Ðại Kim không phù hợp dẫn đến không có sự khớp nối hệ thống thoát nước với các khu vực chung quanh, gây úng lụt cục bộ sau những trận mưa lớn làm khó khăn trong đi lại...

Trong những nguyên nhân của nhiều tồn tại ở các khu đô thị mới, cần nhận thấy sự bất cập về hệ thống văn bản, quy định nhà nước trong lĩnh vực này; sự hạn chế về điều kiện, năng lực và mục đích thương mại của nhiều chủ đầu tư khi nặng về yếu tố lợi nhuận; Vấn đề quan trọng khác là vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị trong chủ trương đầu tư và giám sát thực hiện khi không phối hợp chặt chẽ mà thường phó mặc cho chủ đầu tư...

Việc tạo ra giá trị bản sắc mới với dấu ấn thời đại không chỉ là trách nhiệm, mà còn là thử tháchđối với thế hệ hôm nay. Nhìn lại diện mạo đô thị Hà Nội giờ đây không khỏilo lắng khi con đường đi tìm bản sắc mới đang chệch hướng, bởi sự quẩn quanh trong những khung cảnh cũ hoặc dần thay thế, hủy hoại những bản sắc đã được lịch sử ghi nhận bằng những cái mới chưa được khẳng định.

Nguyễn Phương Liên (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.