12/07/2014 8:05 AM
Sau gần 2 năm rà soát dự án chậm tiến độ, không thực hiện theo Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, đến thời điểm này UBND TPHCM đã xử lý thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất cho thuê đất… của 536 dự án với tổng diện tích hơn 5.395ha. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn, các dự án trên sau khi bị thu hồi thì quyền lợi của người dân như thế nào, chủ đầu tư đã bỏ tiền đầu tư dở dang xử lý ra sao?

Thu hồi nhiều dự án

Hàng loạt dự án đầu tư kinh doanh nhà ở, khu vui chơi giải trí, trường học… đã được cơ quan chức năng thỏa thuận địa điểm đầu tư, quyết định giao đất, kêu gọi đầu tư…, nhưng từ nhiều năm qua vẫn án binh bất động. Vướng mắc lớn nhất của những dự án này là chủ đầu tư khó khăn về tài chính, dự án bế tắc đầu ra, về giải phóng mặt bằng…

Dự án Trung tâm Thương mại - dịch vụ - văn phòng - giải trí do Công ty CP Sản xuất thương mại May Sài Gòn và Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 5 làm chủ đầu tư tại 107 và 107B đường Trần Hưng Đạo (quận 5) có diện tích hơn 2.100m² được cơ quan chức năng giao thuê đất từ năm 2008 để thực hiện dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này vẫn án binh bất động. Theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ diện tích đất dự án mặt tiền đắc địa này được làm bãi giữ ô tô trong nhiều năm qua. Do đó, UBND TP đã ban hành Quyết định 5084 thu hồi dự án này. Ngoài ra Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 cũng có một dự án khác bị thu hồi, là dự án chung cư Trần Tuấn Khải, có quy mô gần 4.000m². Dự án này có chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Ngày 15-5-2013 UBND TPHCM có Quyết định 2490 thu hồi dự án. Ở huyện Hóc Môn, dự án Khu đô thị An Phú Hưng do Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư có quy mô hơn 6 triệu m² được TP thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa đền bù giải phóng mặt bằng.

Trung tâm Thương mại - dịch vụ - văn phòng - giải trí 107 - 107B Trần Hưng Đạo (quận 5) vừa bị cơ quan chức năng quyết định thu hồi.

Ngoài dự án phát triển nhà ở, cũng có rất nhiều dự án phúc lợi công cộng, khu vui chơi giải trí, trường học bị thu hồi cho chậm tiến độ, ách tắc việc giải phóng mặt bằng, như: dự án Trường Đại học Văn Hiến quy mô 57.000m² thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh; dự án nhà xưởng quy mô 25.000m² của Công ty Savimex tại phường Hiệp Thành (quận 12), dự án Trường Việt Úc (quận 7)…

Các dự án bị thu hồi chủ yếu tập trung ở các quận huyện vùng ven, đang phát triển như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9, quận 2, quận 7, quận 12, Tân Phú... Hầu hết các dự án bị thu hồi qua công tác rà soát kiểm tra theo tinh thần Nghị quyết 16 nhưng cũng có dự án do doanh nghiệp tự trả lại do không có nhu cầu sử dụng hoặc dự án thiếu tính khả thi.

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một công ty có dự án bị thu hồi trên địa bàn Bình Thạnh cho biết, toàn bộ dự án của công ty ông có quy mô hơn 26.000m² nhưng công tác đền bù mới chỉ được 800m², dân cư khu vực này dày đặc, nếu tiếp tục đền bù chi phí sẽ rất cao, sau đó lại phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường nên dự án không khả thi. Hiện nay doanh nghiệp này tạm thời làm hàng rào để giữ đất chờ phương án tiếp theo.

Hài hòa lợi ích

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín giải thích, “thu hồi dự án” không có nghĩa là TP lấy lại dự án mà là cơ quan chức năng hủy bỏ các văn bản, quyết định pháp lý liên quan đến dự án. Điều này cũng có nghĩa là khi dự án bị “thu hồi” thì phạm vi quy hoạch của dự án đó đương nhiên được thoát treo.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, các dự án nhà ở đã hết thời hạn thực hiện của văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư có nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án thì Sở Xây dựng căn cứ Nghị định số 71/2010 ngày 23-6-2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở để hướng dẫn chủ đầu tư lập thủ tục và xem xét trình UBND TP giải quyết theo quy định. Đối với dự án nhà ở chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất của dự án, đang hoàn tất các thủ tục để được giao đất, Sở Xây dựng và UBND quận, huyện căn cứ quy định của Luật Nhà ở xem xét, kiểm tra năng lực của chủ đầu tư để chấp thuận đầu tư dự án hoặc trình UBND TP chấp thuận đầu tư dự án; chủ đầu tư có trách nhiệm lập, hoàn tất các thủ tục để Sở Tài nguyên - Môi trường trình UBND TP quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho biết, trên địa bàn TP có số lượng dự án rất lớn, nên việc rà soát tình hình tiến độ và xử lý phải mất nhiều thời gian. Việc xử lý phải theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Đối với các dự án mà chủ đầu tư đã thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng đất nhưng “da beo” không triển khai dự án được, nếu thu hồi đất của chủ đầu tư sẽ rất khó xác định chi phí đầu tư trên đất để trả lại cho chủ đầu tư, đồng thời giao cho chủ đầu tư khác cũng khó tiếp tục. Hiện nay thị trường bất động sản gặp khó khăn nên các ngân hàng hạn chế cho vay vốn; nhiều dự án chưa kết nối hạ tầng nên việc thúc đẩy dự án nhanh tiến độ là khó khăn. Do đó đề nghị có chủ trương giãn tiến độ dự án trong thời gian 2 - 3 năm, cần quy định việc tính, thu tiền sử dụng đất hợp lý. Hiện nay tính theo giá thị trường theo nhà đầu tư là quá cao khiến giá thành sản phẩm tăng; mặt khác cần xem xét tính mức khấu trừ tiền bồi thường vào tiền sử dụng đất cho phù hợp.

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, quy hoạch hiện nay tồn tại nhiều bất hợp lý. Thu hồi những dự án không khả thi là cần thiết nhưng phải xử lý như thế nào để tránh tình trạng chuyển từ dạng treo này sang dạng treo khác. Làm thế nào để không lãng phí quỹ đất, quyền lợi của người dân. Quy hoạch để phát triển TP nhưng quyền lợi của người dân cũng hết sức quan trọng, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đỗ Trà Giang (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.