Thu hồi để sử dụng đất hiệu quả
Thời gian vừa qua, tỉnh Long An đã tập trung chỉ đạo để thu hút đầu tư. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.904 ha, trong đó có 17 khu đi vào hoạt động với tổng diện tích 5.753 ha; có 40 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch là 4.234 ha, trong đó có chín cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Việc thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua đạt kết quả tốt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, như tiến độ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp; tiến độ triển khai các dự án còn chậm, có những dự án kéo dài từ năm đến bảy năm vẫn chưa thực hiện, gây bức xúc cho dân. Vì những nguyên nhân nêu trên, tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án chậm triển khai, qua đó kiên quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện. Tính đến nay, tỉnh đã thu hồi gần 60 dự án với tổng diện tích hơn 3.000 ha và đang xem xét thu hồi tiếp 14 dự án với tổng diện tích 1.035 ha. Tất cả các dự án thu hồi đều được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và địa phương có dự án. Ðối với các dự án sau thu hồi, tỉnh sẽ xem xét xóa quy hoạch hoặc giữ quy hoạch để tiếp tục kêu gọi đầu tư và phải được sự đồng thuận của nhân dân. Bước đầu việc làm nêu trên đã tạo thuận lợi lớn cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực dự án. Theo lãnh đạo tỉnh Long An, để tránh xảy ra tình trạng các dự án "treo", đối với các dự án lớn, ngành chức năng cần đánh giá, xem xét về khả năng tài chính của các chủ đầu tư một cách đầy đủ để hạn chế tình trạng chủ đầu tư không có năng lực triển khai, kéo dài dự án làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Ngoài ra, công tác rà soát tiến độ triển khai dự án cần được quan tâm thực hiện thường xuyên. Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư có cam kết về tiến độ triển khai dự án để các ngành có cơ sở tham mưu biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án chậm triển khai nhưng không có lý do chính đáng...
TP Hà Nội là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các dự án cũng như diện tích đất giao cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức, cá nhân phát huy tốt hiệu quả từ dự án, vẫn còn có nhiều doanh nghiệp hoặc thiếu vốn đầu tư, hoặc vì lợi dụng chính sách của Nhà nước để kiếm lời cho nên đã sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, gây lãng phí đất. Thành phố đã kiên quyết chỉ đạo lập hồ sơ để thu hồi hàng triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, để lãng phí. Tất cả các dự án nằm trong diện thu hồi sau khi thực hiện phương án bồi thường thiệt hại cho các chủ đầu tư, sẽ được sử dụng phù hợp với mục đích công cộng như xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Thành phố đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án được giao làm chủ đầu tư (được bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất) nhưng đã quá thời hạn 12 tháng mà hiện nay vẫn để đất trống, chưa sử dụng và đang sử dụng sai mục đích làm bãi đỗ xe, sân bóng đá, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, ga-ra sửa xe ô-tô... tại các khu đô thị mới. Các dự án không triển khai được do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng Nhà nước thì đề xuất các biện pháp xử lý, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Mới đây, Hà Nội cũng đã thành lập Ðoàn giám sát của Thường trực HÐND thành phố để làm việc với các quận, huyện về tình hình quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài nhà nước chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, mục tiêu của đợt giám sát lần này nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất trong lĩnh vực đất đai, hạn chế tối đa những lãng phí trong quản lý đất. Trước đó, năm 2010, Hà Nội cũng đã thu hồi, chuyển hơn 5.200 ha đất nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đô thị. Căn cứ vào quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QÐ-TTg, thành phố xác định rõ, gắn việc thu hồi đất đai sử dụng lãng phí với tạo việc làm cho các đối tượng lao động có đất được thu hồi, xây dựng các trung tâm đào tạo nhân lực kết hợp giải quyết việc làm tại các huyện ngoại thành, nơi có diện tích đất bị thu hồi lớn. Việc xây dựng các trung tâm được gắn kết với thực hiện đề án dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, xây dựng đề án chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại vùng bị mất đất.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai
Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh những địa phương thực hiện hiệu quả công tác rà soát các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi các diện tích đất đang sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí, hiện, vẫn còn không ít các địa phương do lợi ích cục bộ đã giao đất cho các tổ chức, cá nhân một thời gian dài song không phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa chủ động thu hồi đất, gây thiệt hại kinh tế và bức xúc trong dư luận. Ðây là một bất cập đang được Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhằm giải quyết dứt điểm các dự án "treo", phát huy tốt việc sử dụng đất, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận nhân dân. Nhìn vào thực tế, cần phải khẳng định, thời gian qua, việc lập, thẩm định, xét duyệt, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung chưa tốt. Chất lượng quy hoạch chưa cao, nhiều trường hợp không sát thực tế, tính khả thi của một số dự án còn thấp. Tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo", các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn diễn ra đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi, làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư và gây lãng phí đất đai. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần sớm có biện pháp khắc phục. Ðể thực hiện nghiêm Luật Ðất đai, Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, hiện, có một số quy định không còn phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi. Theo quy định hiện hành, khi Nhà nước tiến hành thu hồi lại đất dự án phải bồi thường. Ðây chính là một khe hở để một số nhà đầu tư lợi dụng, "vẽ dự án", "chạy" xin cấp đất, sau đó bán lại cho nhà đầu tư khác, cùng lắm chờ Nhà nước thu hồi nhận tiền đền bù vẫn có thể sinh lợi từ đất được giao mà không phải đầu tư tiền vốn (!?). Ðây là sự bất cập của quy định pháp luật, tới đây cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Mới đây, Chính phủ cũng đã tổ chức thảo luận về Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi), tập trung làm rõ các vấn đề về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; cơ chế thu hồi đất; giá đất; thời gian ban hành, mục đích áp dụng bảng giá đất; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai và những vấn đề bức xúc khác về đất đai được xã hội quan tâm. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền, sau khi thu hồi đất đai, nhất là đất nông nghiệp do nông dân đang canh tác, cần phải bảo đảm đời sống cho người dân có đất bị thu hồi. Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Minh Quang, thực tế hiện nay, tình hình sử dụng đất còn lãng phí ở những dự án được cấp đất nhưng chậm đưa vào sử dụng. Từ năm 2010 trở về trước, tình hình kinh tế phát triển tương đối mạnh, cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất đai huy động cho yêu cầu phát triển đất nước thời gian này là rất lớn. Các nhà đầu tư do điều kiện này, điều kiện khác, nhất là trong tình hình lạm phát hiện nay đã nhận đất của Nhà nước nhưng không triển khai được, diễn ra ở nhiều địa phương. Ðiều người dân bức xúc nhất là các khu "đất vàng"ven quốc lộ, nhà đầu tư rào dựng lại, đổ đất cát vào, quá thời gian chưa thực hiện. Hiện nay, Bộ TN và MT đang tiến hành tổng hợp tình hình này ở các địa phương, để tham mưu Chính phủ có biện pháp xử lý triệt để.
-
Kiên quyết thu hồi đất từ những dự án "treo" - Bài 1: Ðất "có chủ" nhưng để hoang
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã kiên quyết thu hồi các dự án "treo", đất để hoang hóa lãng phí. Ðây là việc làm tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm lành mạnh hóa xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển...