05/09/2012 10:27 PM
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã kiên quyết thu hồi các dự án "treo", đất để hoang hóa lãng phí. Ðây là việc làm tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm lành mạnh hóa xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển...

Với mục đích thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện chính sách "trải thảm đỏ" bằng cách tạo ưu đãi từ thuê đất, giao đất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những dự án phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều dự án "treo", gây bức xúc dư luận xã hội...

Những dự án "treo"...

Lào Cai là một tỉnh miền núi phía bắc có chỉ số xếp hạng cạnh tranh (PCI) cao nhất nước hiện nay, tuy nhiên, nạn dự án "treo", chậm tiến độ hiện đang làm "đau đầu" chính quyền, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất của người dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 85 dự án "treo", chậm tiến độ từ một đến năm năm. Các dự án này chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy điện, thương mại, du lịch, đô thị mới... tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn và TP Lào Cai. Tại huyện Văn Bàn, Dự án thủy điện Minh Lương, công suất 22,5 MW, do Công ty cổ phần Thủy điện Minh Lương làm chủ đầu tư, sau nhiều lần thay đổi cổ đông và gia hạn giấy phép đầu tư, đến nay, thi công cầm chừng, chậm tiến độ đã hơn năm năm. Nguyên nhân chậm dự án được xác định do khảo sát và lập báo cáo khả thi của chủ đầu tư còn nhiều sai sót; năng lực nhà thầu hạn chế, không đáp ứng tiến độ thi công. Tại TP Lào Cai, một số dự án chậm tiến độ nhiều năm, trong đó có dự án "Hạ tầng tiểu khu đô thị số 4", với tổng diện tích 75 ha, thuộc hai phường Bắc Cường và Nam Cường, do Sở Xây dựng Lào Cai làm chủ đầu tư, kéo dài đến tám năm nay vẫn chưa xong, làm xáo trộn, ảnh hưởng đến 381 hộ dân. Hiện vẫn còn 58 hộ chưa được đền bù, do thiếu vốn, nhưng vẫn phải giữ nguyên hiện trạng nhà ở xập xệ, không phát triển được sản xuất.

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi hơn tám triệu m2 đất của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời tiến hành rà soát hàng loạt các dự án khác. Các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi do vi phạm hầu hết là để hoang đất không triển khai dự án, hoặc mới triển khai một phần, tự ý cho thuê lại, liên doanh, liên kết sử dụng sai mục đích và một số dự án được giao đất đã nhiều năm hiện không còn phù hợp với quy hoạch thành phố. Việc chậm triển khai dự án chủ yếu do các doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện dự án, không huy động được vốn, hoặc thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh nhưng không kịp thời bố trí vốn và triển khai phương án mới. Một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, xin giao đất theo kiểu "xí phần" để kiếm lời hoặc chờ cơ hội chuyển quyền sử dụng cho chủ đầu tư khác ăn chênh lệch...

Cũng như Lào Cai, Hà Nội, tại tỉnh Bạc Liêu, hiện có một số dự án được xem là trọng điểm của địa phương khởi công động thổ khá "hoành tráng" rồi để đấy kéo dài nhiều năm nay, khiến không ít cán bộ, nhân dân nghi ngờ. Cụ thể, như dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng Nhà Mát (thuộc phường ven biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu), có quy mô hơn 40 ha, gồm hệ thống các nhà hàng, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp tại đây. Cũng tại phường Nhà Mát, một phần diện tích thuộc khu vực Vườn chim Bạc Liêu nổi tiếng cũng được giao cho Công ty Rồng Việt (TP Hồ Chí Minh) liên kết đầu tư. Ðây là dự án có quy mô khá lớn về phát triển du lịch sinh thái ở ven biển Bạc Liêu. Theo nhà đầu tư cho biết, tại lễ khởi công, dự án có mức đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có dự án nhà ở đô thị ven sông Bạc Liêu; khu chung cư cho cán bộ, công chức;... với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những dự án nêu trên được khởi công xây dựng đã hơn ba năm, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Ðáng lưu ý, dự án Khu công nghiệp Trà Kha (phường 8, TP Bạc Liêu) được xây dựng ngay từ sau khi tỉnh mới được tái lập (năm 1997). Ban đầu, dự án này được quy hoạch lên đến 200 ha (chủ yếu thuộc khu vực đất trồng lúa và đất khu dân cư). Nhưng sau nhiều năm triển khai thực hiện, lãnh đạo tỉnh xét thấy diện tích đất quy hoạch dành cho khu công nghiệp này quá lớn so với nhu cầu thực tế, cho nên đã quyết định hai lần điều chỉnh rút lại còn 120 ha, lần sau xuống còn 60 ha. Tuy nhiên, đã gần 15 năm trôi qua, nhưng đến nay mới chỉ có một vài công ty được xây dựng và đi vào hoạt động tại đây. Diện tích còn lại tại khu công nghiệp này vẫn bỏ không, do một số nhà đầu tư ngoài tỉnh đã đăng ký dành chỗ rồi để "treo" kéo dài...

Không riêng gì Lào Cai, Hà Nội, Bạc Liêu, bên cạnh những dự án "treo" quá lâu đã và đang làm thủ tục thu hồi đất, hiện nay, theo các cơ quan chức năng, nhiều địa phương khác trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, tỉnh Bình Dương... vẫn còn dự án bị "treo" với thời gian dài, song vẫn chưa được chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Buông lỏng công tác quản lý

Dự án "treo" là dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mà chủ đầu tư không thực hiện theo đúng thời hạn, tiến độ đã được đề ra khi xin giao đất, thuê đất. Theo quy định của Luật Ðất đai, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì Nhà nước sẽ thu hồi. Việc trả lại tiền đã bồi thường, hỗ trợ về đất (tiền sử dụng đất) và tài sản trên đất của chủ đầu tư bị thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Ðiều 35 của Nghị định số 181/2004/NÐ-CP. Như vậy, xét về bản chất, các dự án "treo" đều có căn cứ pháp luật để xác định thu hồi và hơn thế nữa các biện pháp chế tài cũng đã được quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, câu hỏi dư luận đặt ra là vì sao tính đến thời điểm này là đã quá lâu so với thời gian quy định nêu trên, song nhiều dự án "treo" các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ra các quyết định hành chính để thu hồi? Trong khi đó, đời sống của người dân bị thu hồi đất khó khăn vì thiếu đất để ở và sản xuất, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Những ai quan tâm đến việc chính quyền tỉnh Bạc Liêu cho Công ty Duyên Hải thuê gần 800 ha đất ven biển (gần Khu trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) trong mấy năm qua, không khỏi xót xa bởi doanh nghiệp này đã "ôm" hàng trăm ha đất rồi để hoang phí. Hàng trăm ha đất này được địa phương cam kết cho thuê trong thời gian 50 năm, với tổng số vốn đăng ký ban đầu hơn 10 triệu USD. Ðây là dự án nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng công nghiệp, bán công nghiệp lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, được địa phương từng tự hào xem là "một thành công lớn" trong việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, sau mấy năm hoạt động, đến thời điểm này, theo báo cáo chính thức của các ngành chức năng ở Bạc Liêu, Công ty Duyên Hải sản xuất bị thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, không còn khả năng tiếp tục sản xuất... Hiện nay, doanh nghiệp này đã chính thức ngừng hoạt động, trụ sở làm việc, nhiều nhà xưởng, máy móc và hàng trăm ha thuộc "khu đất vàng" của công ty bị bỏ hoang tàn, cỏ cây mọc um tùm... Gần 500 hộ dân nơi đây bị thu hồi đất giao cho công ty này đời sống lâm vào khó khăn, không ít hộ dân, nhất là những hộ nghèo, hộ dân tộc buộc phải lang thang đi làm thuê kiếm sống qua ngày, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân...

Tại Long An, trong 21 dự án tỉnh ra quyết định thu hồi trong sáu tháng đầu năm 2012, có dự án sân golf trên địa bàn hai xã Phước Lại, Long Hậu của huyện Cần Giuộc với diện tích 200 ha. Theo người dân nơi đây cho biết, bảy năm qua, ngoài việc xây dựng trụ sở gần Ủy ban xã Phước Lại, chủ đầu tư dự án sân golf không triển khai thêm hạng mục nào. Hàng trăm ha đất trước đây là nơi canh tác lúa, giờ bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200 hộ dân trong vùng quy hoạch dự án. Chính vì thế, cùng với việc rút lui của nhà đầu tư, vừa qua, UBND tỉnh đã ký quyết định thu hồi dự án sân golf. Thông tin này đã nhận được sự đồng tình của người dân ở hai xã nghèo Phước Lại và Long Hậu. Mặc dù chậm thu hồi đất, song đây cũng được coi là động thái tích cực của tỉnh trước hệ lụy do dự án "treo" này gây ra. Ðây là một bài học kinh nghiệm không riêng gì của tỉnh Long An mà cho nhiều địa phương khác trong việc thẩm định năng lực hành vi của tổ chức để cấp đất, giao đất đầu tư xây dựng sân golf không hiệu quả.

Một số cán bộ, nhân dân địa phương có các dự án "treo" tại các huyện Thạch Thất, Hoài Ðức, Ðan Phượng của TP Hà Nội cho biết, khi lấy đất, chính quyền đã đền bù thiệt hại cho dân, song, hằng ngày phải nhìn khu đất của mình sử dụng hiệu quả trước đây, nay để hoang hóa thấy vô cùng xót xa. Nếu thu hồi, đất không giao cho người sử dụng thực chất sẽ lại dễ xảy ra tình trạng hoang hóa tiếp, lãng phí sẽ lại chồng lên lãng phí. Do vậy, nhân dân mong rằng, với những khu đất loại này hoặc chính quyền phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả mang tính chiến lược, hoặc lại tạm chia cho người nông dân trồng cấy để phát huy hiệu quả trên đất. Khi nào Nhà nước sử dụng, người dân sẽ giao lại theo cam kết. Ðây có lẽ cũng là suy nghĩ chung của những người dân hiện đang phải sống ở những khu vực có dự án "treo" trong cả nước, mong rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắng nghe, tiếp thu để có chiến lược quản lý và giao đất phù hợp sau khi thu hồi.

Từ năm 2009 đến tháng 6-2012, TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra hơn 600 tổ chức được Nhà nước giao đất có dấu hiệu vi phạm Luật Ðất đai, 81 tổ chức bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, 327 tổ chức chủ động khắc phục vi phạm, 133 dự án đang triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; ban hành quyết định thu hồi đất đối với 29 tổ chức với tổng diện tích đất hơn 215 nghìn m2; đang xem xét quyết định thu hồi đối với 11 tổ chức với diện tích hơn 8,1 triệu m2...

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.