Ngay sau khi ban hành giá đất tính thu tiền sử dụng đất (SDĐ) theo cách tính mới, Bộ Tài chính cũng công bố cách tính đơn giá thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Kiến nghị Quốc hội giảm thuế nhưng tăng tiền thuê đất

Theo quy định hiện hành, trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì đơn giá thuê đất một năm được tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng do UBND cấp tỉnh ban hành. Đối với đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất - kinh doanh, thương mại và dịch vụ; căn cứ vào thực tế ở địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định đơn giá thuê đất cao hơn 0,5% giá đất nhưng tối đa không quá 4 lần (tối đa bằng 2% giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành).

Tuy nhiên, theo quy định mới thì kể từ ngày 15.8.2011, đơn giá thuê đất một năm được tính bằng 1,5% giá đất theo mục đích sử dụng do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế trong việc làm mặt bằng sản xuất - kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ để tính đơn giá thuê đất nhưng tối đa không quá 2 lần. Như vậy, đơn giá thuê đất cao nhất có thể tương đương 3% giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.


Cũng theo quy định mới, trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì số tiền thuê đất phải nộp được tính bằng số tiền SDĐ phải nộp như trường hợp được giao đất có thu tiền SDĐ.


Trường hợp đấu giá quyền SDĐ thuê đối với hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần thì đơn giá thuê đất là đơn giá trúng đấu giá. Số tiền thuê đất phải nộp được tính bằng đơn giá trúng đấu giá nhân với diện tích đất thuê. Giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền SDĐ thuê được tính bằng giá giao đất có thu tiền SDĐ.


Với cách xác định đơn giá thuê đất như trên của Bộ Tài chính, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì số tiền thuê đất mà doanh nghiệp phải trả tăng 3-10 lần so với cách tính cũ.


Khảo sát của VCCI cho thấy, có doanh nghiệp sẽ phải trả tiền thuê đất theo cách tính mới lên đến hơn 400 triệu đồng, trong khi theo cách tính cũ thì doanh nghiệp này chỉ phải trả tiền thuê đất 27 triệu đồng. Tương tự, số tiền thuê đất năm nay có doanh nghiệp sẽ phải trả 3,18 tỷ đồng, tăng 5 lần so với trước đây, thậm chí có doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất gấp hơn 9 lần so với quy định cũ, từ mức 681 triệu đồng lên 6,3 tỷ đồng.


Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, các chính sách tài chính (thuế, phí, lệ phí…) làm tăng chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế đều “đánh” vào người tiêu dùng, bởi toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra sẽ được tính trên giá bán sản phẩm hàng hoá, dịch vụ.


Ông Hiền cho rằng, trong bối cảnh chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kinh tế - xã hội trong năm nay, nếu tăng chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất - kinh doanh thì sẽ giảm hiệu quả của việc chống lạm phát.


Năm 2011, Quốc hội giao cho ngành thuế thu tiền SDĐ 30.000 tỷ đồng, thu tiền cho thuê đất 2.744 tỷ đồng, nhưng trong 6 tháng đầu năm, ngân sách đã thu về từ 2 khoản này 21.800 tỷ đồng và 1.550 tỷ đồng tăng tương ứng 11% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2010.


Theo các chuyên gia kinh tế, với cách tính đơn giá tiền cho thuê đất, tiền SDĐ mới, từ nay đến cuối năm, chắc chắn ngân sách sẽ tăng thu đáng kể từ đất đai nhưng khó khăn sẽ được đẩy sang phía doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng không nằm trong đối tượng được gia hạn và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2011 như đề xuất của Chính phủ.


Hiện phương án miễn, giảm một số sắc thuế đã được Chính phủ trình lên Quốc hội để thông qua tại Kỳ họp thứ nhất này. Theo đó, ngoài việc gia hạn thời gian nộp thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thực hiện theo Quyết định 21/2011/QĐ-CP ngày 6.4.2011, Chính phủ còn đề nghị mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội (đường, trường, điện, thuỷ lợi, y tế …) và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng.


Ngoài ra, Chính phủ còn đề nghị Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế nêu trên. Và giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN và thuế TNDN trong 6 tháng cuối năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân.


Theo tính toán của ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu Quốc hội chấp thuận với phương án trên, tổng số thuế giãn năm 2011 cũng chỉ vào khoảng 6.900 tỷ đồng (số tiền này sẽ thu vào năm 2012); tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 (bao gồm cả miễn thuế TNCN đối với một số trường hợp) khoảng 4.200 tỷ đồng.


Số tiền thuế mà doanh nghiệp được miễn theo đề xuất trên xem ra quá nhỏ so với số tiền mà ngân sách có thể thu được từ việc thay đổi cách tính giá đất để thu tiền SDĐ và đơn giá thu tiền thuê đất vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Theo Mạnh Bôn (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.