Cần quy định chặt chẽ
Theo điều 48 của dự thảo, cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình của nhiều loại dự án có nguồn vốn khác nhau.
Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng quá tải đối với các cơ quan chuyên môn này ở các cấp, thậm chí có thể dẫn đến đình trệ hoạt động đầu tư xây dựng ở một số địa phương hoặc ngành có vốn đầu tư lớn.
Liên quan đến việc điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư xây dựng, theo cơ quan thẩm tra, trong một số trường hợp, quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, các trường hợp được phép điều chỉnh cần được nghiên cứu quy định cụ thể, chặt chẽ và khoa học, phù hợp với từng loại dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau.
Song quy định tại dự thảo lại chưa thực sự hợp lý. Theo ông Dũng, việc điều chỉnh dự án cần phải được xem xét một cách toàn diện, không chỉ căn cứ vào yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án. Ngoài ra, chưa có quy định về khái niệm, trách nhiệm xây dựng, nguyên tắc tính toán, thẩm quyền công bố chỉ số giá xây dựng trong dự thảo luật và theo đó chưa rõ cơ sở sử dụng chỉ số giá để tính và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Hơn nữa, giá trị chỉ số này lại luôn biến động theo thời gian và nếu kết hợp với quy định “các trường hợp điều chỉnh khác theo quy định của Chính phủ” có thể sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát điều kiện điều chỉnh dự án và dự án sẽ thường xuyên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Cũng theo quy định tại dự thảo, người quyết định đầu tư có thẩm quyền quyết định thành lập ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực và các ban quản lý dự án này được giao làm chủ đầu tư.
Mô hình này trên thực tế đã được thực hiện và cho thấy việc tách biệt vai trò chủ đầu tư xây dựng với vai trò chủ sở hữu, quản lý, sử dụng công trình và việc trao nhiều hoặc toàn bộ quyền hạn cho ban quản lý dự án dễ dẫn đến ban quản lý dự án lạm quyền, có thể gây nhiều hệ lụy tiêu cực.
Do đó, cần bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của ban quản lý dự án; làm rõ mối quan hệ giữa ban quản lý dự án với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, với cơ quan, đơn vị là chủ sở hữu, quản lý, vận hành công trình.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét theo hướng mở rộng áp dụng hình thức thuê tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, kể cả đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...
Liên quan đến tính khả thi của luật, theo cơ quan thẩm tra, dự luật có tới trên 50 điều khoản sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” và 25 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể hoặc chi tiết “là quá nhiều”. Một số thuật ngữ, quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn tạo thuận lợi khi thực hiện luật.
Bỏ quy định có nhà thầu mới được xây dựng
Theo Bộ Xây dựng, quy định về cấp phép xây dựng là một nội dung quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng. Tại các nước phát triển, việc quản lý đối với hoạt động đầu tư xây dựng chủ yếu được thực hiện thông qua cấp phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật Xây dựng năm 2003 cũng đã có những quy định cụ thể về cấp phép xây dựng nhưng các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng còn đơn giản, nhiều công trình chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện đã khởi công, nên quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc như: mặt bằng chưa được giải phóng, không đủ vốn, chờ thiết kế, chờ lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà thầu...
Chính điều này đã dẫn đến công trình bị chậm tiến độ, nợ đọng, tăng chi phí, hiệu quả đầu tư thấp. Trong khi đó nhiều công trình đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện để khởi công, nên sau thời gian dài, thậm chí nhiều năm, vẫn chưa khởi công. Ở một số nước, giấy phép xây dựng là một trong các điều kiện để khởi công xây dựng công trình, nếu chưa lựa chọn được nhà thầu thi công, việc khởi công xây dựng không thể thực hiện được.
Do đó, quy định các điều kiện cấp giấy phép xây dựng như dự thảo, trong đó bao gồm điều kiện “có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” là phù hợp để nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng thừa nhận, trong thực tế tại Việt Nam, không phải công trình nào cũng đáp ứng được đầy đủ điều kiện trước khi khởi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng theo tuyến, công trình có nhiều hạng mục độc lập, mặt bằng thi công lớn, trải dài.
Vì vậy, để thông thoáng về điều kiện cấp phép xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và đảm bảo tính khả thi trong thực tế, ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra và đã loại bỏ quy định điều kiện phải “có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định” khỏi dự luật.