Đề nghị bãi bỏ hạn điền, không chia lại đất và không quy định thời gian giao đất nông nghiệp.

Đó là lưu ý của TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT, tại tọa đàm Đổi mới chính sách đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Văn phòng Trung ương Đảng và ĐH Mở TP.HCM tổ chức, ngày 30-3.


Cần đa dạng hình thức sở hữu đất đai


Tại buổi tọa đàm, đa số ý kiến cho rằng cần đa dạng hình thức sở hữu đất đai. “Sở hữu toàn dân như lâu nay là sở hữu vô hình. Quyền sử dụng đất trên thực tế chính là quyền sở hữu, tức đã tư hữu đất đai nên sở hữu toàn dân chỉ còn là một khái niệm mang tính hình thức. Nhà nước thực tế chỉ có hai quyền mang tính chất hành chính nhưng lại dễ phát sinh tiêu cực là quy hoạch và thu hồi” - TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, phát biểu.


Ông Liêm cho rằng việc chấp nhận đa dạng về hình thức sở hữu không làm Nhà nước bị thiệt thòi, bởi một quỹ đất rất rộng rãi vẫn thuộc về sở hữu Nhà nước như đất công, đất rừng, đất khoáng sản… Chưa kể Nhà nước còn có hai quyền quan trọng là được trưng thu, trưng mua khi cần thiết cho đất nước.


Theo TS Vũ Trọng Khải, các khiếu nại về đất đai thời gian qua rất gay gắt, vì thế nếu Luật Đất đai không được sửa một cách căn bản, có căn cứ khoa học sẽ gây xung đột xã hội. Ông Khải ủng hộ đa dạng hình thức sở hữu, gồm sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước. Đồng thời, khi đã thừa nhận đa sở hữu, đất đai là hàng hóa thì cũng phải bỏ luôn khái niệm “thu hồi và bồi thường” hiện nay. “Khi Nhà nước cần thì phải mua lại theo giá thỏa thuận chứ không phải bằng giá Nhà nước tự ấn định. Khung giá Nhà nước chỉ áp dụng cho mục đích duy nhất là tính thuế trước bạ và thuế thổ trạch” - ông Khải kiến nghị.


“Không sửa Luật Đất đai sẽ gây xung đột xã hội”

Đa số đại biểu đồng thuận với việc bãi bỏ hạn điền, không chia lại đất và không quy định thời gian giao đất nông nghiệp. Ảnh: HTD


TS Nguyễn Văn Ngãi, ĐH Nông Lâm TP, cho hay nhiều chuyên gia nước ngoài không thể hiểu khái niệm “quyền sử dụng đất” theo Luật Đất đai là gì. Theo ông, dù đụng tới Hiến pháp thì cũng cần thiết phải nghiên cứu để sửa Hiến pháp vì đa dạng hóa sở hữu là cần thiết.


TS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP, cũng cho rằng chỉ có một phương án duy nhất là phải chấp nhận đa dạng hóa sở hữu đất đai. “Hiến pháp của ta cho rằng đất đai là sở hữu của tự nhiên nên phải thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng thực tế, đất đai còn là sản phẩm của lao động, tại sao không cho người tạo lập ra nó được sở hữu?” - ông Tiến bày tỏ.


Về khái niệm đất đai, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu cho rằng nên có sự phân định rõ. Nếu hiểu theo nghĩa đất đai là lãnh thổ thì đương nhiên sẽ thuộc về Nhà nước. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa là từng thửa đất đang được sử dụng thì nên công nhận đây là quyền tài sản chứ không chỉ là quyền sử dụng đất.


Đề xuất bỏ thời gian giao đất


Nếu như việc đa dạng hình thức sở hữu về đất còn có ý kiến khác nhau thì yêu cầu bãi bỏ hạn điền, không chia lại đất và không quy định thời gian giao đất nông nghiệp lại được đa số đại biểu đồng thuận. Nhiều ý kiến phân tích, quy định về hạn điền đã quá lạc hậu, cần phải bãi bỏ để khuyến khích phát triển nông nghiệp, mô hình trang trại quy mô lớn.


“Đất đai có đặc điểm rất quan trọng là giới hạn về số lượng nhưng vô hạn về chất lượng. Chất lượng này tốt hay xấu là tùy thuộc sự đầu tư vào đất, nếu quy định thời gian thì sẽ là một rào cản cho việc đầu tư” - ông Tiến nhận xét. Ông Ngãi cũng cho rằng quy định thời hạn giao đất nông nghiệp khiến nông dân không yên tâm đầu tư hết mình. Do vậy, phải giao đất nông nghiệp lâu dài như với đất ở.


Đáng chú ý, TS Liêm còn đề nghị phải giao đất nông nghiệp vĩnh viễn do người nông dân đã sở hữu từ lâu, cha truyền con nối. Việc này sẽ tạo điều kiện để người nông dân không ly hương, hình thành những nông trại cổ phần hiện đại như thế giới. “Việc tái phân phối đất trở lại sau khi hết thời hạn giao đất sẽ gây mất ổn định xã hội” - ông Liêm nhận xét.


Nhiều ý kiến cũng cảnh báo về tình trạng lãng phí đất đai quá lớn hiện nay. “Đi về nông thôn mới thấy nhiều cảnh đau lòng, hàng loạt khu công nghiệp bỏ hoang để bò ăn cỏ, trong khi nông dân không có đất để sản xuất. Phát triển công nghiệp hóa là cần thiết nhưng nhiều nơi làm quá nhanh, thiếu tính toán. Phải giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND về những vấn đề này” - TS Ngãi bày tỏ.

Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.