Biết sao được khi trẻ con TP ngày nay rất ít cơ hội đi chơi công viên vào cuối tuần như trước kia.
Bởi những mảng xanh hiếm hoi còn lại vẫn đang phải cạnh tranh quyết
liệt với các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại... Người ta xẻ thịt
công viên, lấp ao hồ, lấn chiếm kênh rạch... cho những mục đích thương
mại. Những thông tin điếng lòng như "hô biến công viên thành biệt thự",
"xây khách sạn trong công viên"; công viên cây xanh thành nhà ở... vẫn
liên tục xuất hiện chỗ này, chỗ kia. Người ta viện ra đủ mọi lý do để
biện hộ cho hành động của mình nhưng "cái đuôi" không thể che giấu chính
là mục đích lợi nhuận. Khách sạn chọc trời, biệt thự siêu sang, cao ốc
triệu đô... ngày càng nhiều trong khi công viên, khu vui chơi giải trí,
những mảng xanh... thì teo lại và có nguy cơ biến mất.
Không dừng lại ở công viên, các dự án thương mại đang "đè" cả trường học, "đuổi" học sinh ra ngoại ô để khai thác đất vàng. Nhưng bất bình và chua xót hơn cả là vì những toan tính lợi ích, người ta coi thường cả sự an toàn của bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng khi "tấn công" vào cả sân bay, nơi có thể coi là "cấm địa" bởi sự an toàn được ưu tiên số 1, để làm dự án. Thế mới thấy, lòng tham của con người là vô đáy, mới thấy sức mạnh của đồng tiền ghê gớm như thế nào.
Diện tích mảng xanh ở TP.HCM tính đến nay còn khoảng 535 ha, giảm 50%
so với năm 1998; tỷ lệ mảng xanh/đầu người tại TP chỉ đạt chưa đầy
1m2/người trong khi tỷ lệ này của nhiều nước phát triển trên thế giới là
20 - 25m2/người... Bạn nghĩ sao khi đọc các con số này? Những mảng xanh
bị thu hẹp, "lá phổi" của các TP đang bị xâu xé; sự ngột ngạt, bức bối
đang xâm phạm cuộc sống tinh thần của người dân. Đó chính là một trong
những nguyên nhân khiến con người ngày nay dễ dàng nổi nóng chỉ vì một
việc nhỏ xíu; một va quệt nhẹ trên đường, có thể dẫn đến xô xát, thậm
chí lấy đi tính mạng con người; cuộc sống càng xuất hiện nhiều cái chết
lãng xẹt...
Dù gián tiếp nhưng hệ quả của việc "bóp" các khoảng không thông thoáng nơi đô thị là vô cùng nguy hiểm. Những người liên quan sẽ biện hộ rằng, đó là sự tất yếu của quá trình đô thị hóa. Nhưng không phải. Đó là sự phát triển thiếu bền vững, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu trách nhiệm của những người, ngành, cấp khi gật đầu cho phép phát triển các dự án nói trên. Nhiều nước trên thế giới đang khôi phục lại các mảng xanh, xây dựng thêm công viên, chuyển các dự án ra vùng ven để giữ gìn "lá phổi" của TP, hay nói đúng hơn là giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng mình. Còn tại VN, chúng ta đang đi ngược lại quy trình này.
Hầu hết lượng oxy trên trái đất có được là nhờ cây cối. Chúng ta có thể nhịn ăn, uống nhưng không thể ngừng hô hấp. Vì vậy, không thể nhân nhượng với những dự án xẻ thịt công viên, lấp ao hồ, "đè" trường học, "tấn công" sân bay... Bởi như vậy, ta đã chặn đường sống của chính mình.