Sau một thời gian dài buông lỏng quản lý, xuất hiện hàng nghìn hecta đất hoang hóa trên địa bàn, TP Hà Nội vừa bắt đầu thu hồi đất hoang. Tuy nhiên, đây là việc hoàn toàn không dễ dàng.

Kiên quyết thu hồi


Cách đây gần chục năm, một báo cáo về tình hình sai phạm trong quản lý đất đai của UBND TP Hà Nội từng gây xôn xao dư luận khi công bố diện tích đất để hoang trên địa bàn lên đến hàng nghìn hecta. Thế nhưng, từ đó đến nay, tình trạng này vẫn không giảm, số lượng đất hoang còn tăng lên gấp bội. Không dừng lại ở các khu “đất vàng” trong nội đô, cả những khu đô thị mới ở ngoại thành hay vùng mới mở rộng cũng bị bỏ hoang, khiến dư luận vô cùng bức xúc.


Mới đây, UBND TP Hà Nội đã xử lý mạnh tay với những diện tích đất bỏ hoang. 10.400m2 đất thuộc ô HH3, lô CC6, khu dịch vụ tổng hợp, nhà ở hồ Linh Đàm do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý bị thu hồi giao cho CTCP Đầu tư phát triển Hợp Phú để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp chung cư - dịch vụ - thương mại HH3.


3.557m2 đất tại 275 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thuộc quỹ đất 20% do CTCP Thương mại Hưng Việt quản lý bị thu hồi giao cho CTCP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án xây nhà ở CBCNV.


Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 4.283m2 đất tại cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ vì Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội để hoang hóa, không sử dụng và sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai; thu hồi gần 17.000m2 đất bỏ hoang tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên do CTCP Thực phẩm Vạn Điểm đang quản lý.


Một danh sách gồm 20 dự án với tổng diện tích 364.097m2 cũng đã được đề xuất thu hồi từ năm ngoái.


Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng bỏ hoang đất đô thị, UBND TP Hà Nội cũng quy định đất trúng đấu giá nếu không tiến hành xây dựng sẽ bị thu hồi để đấu giá tiếp hoặc giao đất theo quy định. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề ra giải pháp xử phạt vi phạm hành chính với các trường hợp bỏ hoang đất nền, đất biệt thự, nhà phân lô...


Nếu đến ngày 1-1-2012 chưa đưa vào sử dụng sẽ bị coi là “đất chưa sử dụng theo đúng quy định” và sẽ phải chịu thuế suất 0,15% trên giá trị theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012).


Chưa thấm vào đâu


Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên UBND TP Hà Nội đề cập đến việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong quản lý đất đai, thậm chí đã từng nhiều lần “điểm mặt chỉ tên” số lượng dự án, số trường hợp vi phạm, nhưng do làm không kiên quyết, căn bệnh này ngày càng “lờn thuốc”.


Cách đây vài năm, UBND TP Hà Nội đã có quy định tất cả trường hợp để đất hoang hóa sau 30 ngày không giải trình được phương án sử dụng có hiệu quả, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, sẽ bị thu hồi đất, nhưng quy định này nhanh chóng chìm vào quên lãng và số lượng đất để hoang vẫn mọc lên như nấm. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm dự án treo, chậm tiến độ, nhưng mới chỉ có khoảng 20 dự án bị thu hồi - một con số quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra.


Không khó để thấy trong thời điểm “tấc đất tấc vàng” nhưng dọc đường Lê Văn Lương, trong các khu đô thị Việt Hưng, Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp… vẫn có hàng chục hecta đất giao cho các doanh nghiệp lớn bị bỏ hoang.


Không dễ xử lý đất hoang
Tại một số khu đô thị mới ở ngoại thành Hà Nội còn nhiều khu đất hoang.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, nguyên nhân trước tiên của nạn đất bị bỏ hoang là do cấp hữu trách thẩm định và duyệt quy hoạch, dự án không kỹ lưỡng, không đầy đủ. Ngoài ra, giải pháp về thuế hiện nay không hạn chế được nạn đầu cơ, gom đất rồi để đấy.


“Một khi các chế tài chưa đủ mạnh, cảnh đất hoang la liệt cũng là điều dễ hiểu. Nhưng quan trọng nhất chính là thiếu quyết tâm của các cơ quan chức năng”- ông Võ khẳng định. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cũng thẳng thắn cho rằng quyết tâm thu hồi dự án treo rất đáng để hoan nghênh, nhưng thực tế không đơn giản: Tôi rất e ngại quyết tâm thu hồi đó chỉ là “hô khẩu hiệu”.


Loay hoay là tình cảnh thực tế của các cơ quan quản lý nhà nước ở TPHCM khi giải quyết vấn đề đất hoang. Ngoài những lý do về chính sách, việc “nâng lên - đặt xuống” các dự án bị bỏ hoang đã hàng chục năm khiến dư luận chưa dám kỳ vọng nhiều vào những động thái được xem là mạnh tay vừa qua. Vẫn phải chờ thời gian kiểm định.


UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả dự án khu đô thị, khu nhà ở, tái định cư... trên địa bàn. Nếu phát hiện trường hợp chậm triển khai hạ tầng xã hội, phải xác định rõ trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý, kể cả thu hồi giấy phép đầu tư. Ngoài ra, đối với những cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ bỏ đất hoang hoặc sản xuất không hiệu quả, TP sẽ thu hồi để xây dựng trường học.


Trước đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát tình trạng thiếu trường học, công trình hạ tầng, nhưng nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc. 15 đơn vị trong diện này đã bị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phê bình, gồm: Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch; UBND các quận - huyện: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Vì, Đan Phượng, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Từ Liêm…

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland