Từ năm 1998 đến nay, với 65 dự án phân lô hộ lẻ của cá nhân, hàng trăm dự án của các doanh nghiệp, TP.HCM đã rất “uể oải” trong việc xử lý vi phạm nêu trên của đa số các chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận của chính mình, kế nữa là vì sự thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên chỉ làm hệ thống điện, không làm hệ thống cấp thoát nước cho khu vực, không làm đường giao thông đúng quy chuẩn, không xây dựng các công trình công cộng… như cam kết.
Trước tình hình đó, chính quyền nhiều nơi đã tìm cách “níu áo” chủ đầu tư. Thế nhưng trước hậu quả quá lớn, không dễ khắc phục, nhiều chủ đầu tư hoặc “bỏ của chạy lấy người”, hoặc chây ì, không làm gì cả. Mỏi mệt với việc kêu gọi tính tự giác mà bất thành, nhiều địa phương đã mặc kệ, tới đâu hay tới đó. Để rồi khi không thể chế tài được chủ đầu tư, không thể buộc họ hoàn chỉnh hạ tầng, TP “lại đẩy cái khó sang cho người dân” bằng việc không cấp giấy chủ quyền nhà đất cho họ - như nhận xét của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
Theo Sở Xây dựng, mới có gần 48% số căn nhà trong các dự án phân lô hộ lẻ được cấp giấy chứng nhận. Ứng với hơn trăm dự án còn lại bị vướng hạ tầng trên toàn địa bàn TP, hẳn có hàng ngàn hộ dân “khát” giấy hồng. Trong nhiều dự án phân lô hộ lẻ, người dân cũng có phần lỗi khi mua đất không hợp lệ rồi tự cất nhà. Nhưng trong những dự án nhà ở được cấp phép của các doanh nghiệp, khách hàng lỗi gì khi chủ đầu tư không chịu làm hạ tầng? Cách nào bù đắp những thiệt hại mà người dân đã gánh chịu trong nhiều năm nay khi có đến hai nhà (Nhà nước và nhà đầu tư) cùng có lỗi gây ra?
Bỏ ngay quy định bất hợp lý về điều kiện phải có đủ hạ tầng mới được cấp giấy chứng nhận trong Quyết định 54/2007 để quyền lợi người dân không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là lý do mà nhiều người đồng thuận với đề xuất mới đây nhất của Sở Tư pháp và đang sốt ruột chờ UBND TP chuẩn y.