18/05/2012 7:41 AM
Đó là ý kiến của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, tại buổi giám sát về cải cách hành chính của Sở TN&MT do Ban Pháp chế HĐND thực hiện, ngày 17-5.

Tại buổi giám sát, có ý kiến cho rằng “các quận, huyện còn nhiều dự án treo nhưng khó bị thu hồi”. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, không phải hễ cứ hết 12 tháng mà dự án chưa triển khai thì bị thu hồi. “Không nên đánh đồng giữa dự án có đất do chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện với các dự án xí đất để đó không làm gì cả” - ông Kiệt phân tích.

Theo ông Kiệt, muốn cải cách thủ tục hành chính thì quy định pháp luật phải rõ ràng, minh bạch. “Các quy định không được chồng chéo mâu thuẫn; mục tiêu, lộ trình cũng phải rõ ràng. Không phải ấn định thời gian giải quyết ngắn là đủ” - ông đề nghị.

Ông Kiệt lấy thủ tục lập quy hoạch sử dụng đất làm dẫn chứng: “Theo phân cấp, quy hoạch sử dụng đất phải qua khâu phường, xã, đến quận, huyện, sau đó báo cáo Sở TN&MT rồi trình HĐND thông qua, mà một năm HĐND chỉ họp 1-2 lần. Quy trình và phân cấp như thế, không thể nhanh hơn được nên thực tế việc lập quy hoạch sử dụng đất thường bị đánh giá là chậm 1-2 năm”. Tuy nhiên, ông Kiệt cũng nhìn nhận có yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến cải cách hành chính của Sở. “Vừa qua, Sở đã điều chuyển một vài cán bộ có dấu hiệu làm khó doanh nghiệp” - ông cho hay.

Đại diện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP (thuộc Sở TN&MT) thông tin cơ quan này giải quyết đúng thời hạn 90% hồ sơ. Số hồ sơ bị chậm là do phải hỏi ý kiến các cơ quan. “Trong thời gian qua, các ngân hàng mua nhà ở rất nhiều, không biết vì mục đích gì. Theo luật, ngân hàng không được kinh doanh nhà đất, ngay cả việc mua nhà đất làm trụ sở cũng có một giới hạn. Nhưng khi văn phòng từ chối giải quyết thì các ngân hàng phản ứng nên phải hỏi ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định như chúng tôi” - vị này nói.

Theo PLTPHCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.