Theo dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà theo quy định hiện hành là đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.
Được đánh giá là chuẩn bị công phu nghiêm túc đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp sẽ khai mạc cuối tháng 10 tới, song nhiều nội dung của dự án luật vẫn được yêu cầu hoàn thiện thêm.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đồng thời là trưởng ban soạn thảo dự án luật cho biết dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 150 điều; tăng thêm 1 chương, 27 điều so với Luật Xây dựng (2003).
Một trong các nội dung mới được Bộ trưởng nhấn mạnh là dự thảo luật đã đưa ra các quy định về quản lý dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng theo nguyên tắc: dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức khác nhau.
Cùng với các quy định nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, dự thảo luật đã dành một chương quy định về giấy phép xây dựng, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Theo quy định tại đây, tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công, kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà theo quy định hiện hành là đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.
Dự thảo luật cũng đã bổ sung cụ thể hơn một số quy định về các trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng, điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm, trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng, quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng...
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng việc quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép xây dựng là cần thiết, song cần quy định nguyên tắc riêng về điều kiện, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, theo công trình, làm rõ quy định cấp giấy phép với từng loại công trình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, cần quy định hậu trách nhiệm của người phê duyệt các công trình cầu, thủy điện, nhà cao tầng, chợ… gây ra thảm họa.
Yêu cầu đưa hết các nội dung được chuẩn bị ở 8 nghị định trình cùng dự án luật vào trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quản lý quy hoạch hay quản lý dự án đầu tư xây dựng và bảo hành chất lượng công trình là trách nhiệm của luật chứ không phải của nghị định.
Riêng với cấp phép, Chủ tịch quả quyết đã cấp phép là phải quy định trong luật chặt chẽ và phải đảm bảo sự công bằng với dân.
"Đã có trường hợp ông bán thịt chó cũng có giấy phép đào mỏ, ông ấy bán đi cho ông khác và làm chết bao nhiêu người đấy", Chủ tịch nêu ví dụ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, một vấn đề lớn luật phải giải quyết được, đó là quy hoạch. Thời gian qua, điều chỉnh quy hoạch dễ dàng quá, tân quan tân chính sách, cứ lên chức là thay đổi quy hoạch lãng phí rất lớn.
Ông Hiển cũng đề nghị phải đưa trật tự xây dựng vào nề nếp. "Tôi không hiểu trách nhiệm thuộc về ai với những công trình siêu mỏng, siêu méo", ông Hiển nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu kể: “Chiều thứ Hai tuần trước, tôi có làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, anh Thăng (Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng - PV) rất bản lĩnh khi điều chỉnh 4 dự án, tiết kiệm khoảng hơn 15.300 tỷ đồng”. Trong đó chỉ với việc điều chỉnh từ một cây cầu, Bộ đã tiết kiệm được 60 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Giàu cũng nhìn nhận, với điều kiện để khởi công công trình tại điều 89, quy định bàn giao toàn bộ hoặc từng phần điểm tắc của dự án. Ví dụ được ông đưa ra là đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai do bàn giao từng phần, dẫn đến trễ về mặt thời gian. Phải xong giải phóng mặt bằng hãy đấu thầu và thi công, ông Giàu đề nghị.
Băn khoăn về quy định, thưởng phạt, Chủ nhiệm Giàu lại dẫn ví dụ công trình đường cao tốc vành đai 3 ở Hà Nội, khi làm xong vượt tiến độ đã đề nghị xin được thưởng hàng trăm tỷ đồng, nhưng sau một thời gian hoạt động thì lại “có vấn đề”.
Vẫn theo phân tích của ông Giàu, luật hiện hành đang quy định mức thưởng không quá 12% phần làm lợi. Nhưng luật mới lại quy định mức thưởng 5% trên giá trị hợp đồng thì là một con số lớn hơn biết bao nhiêu lần.
"Nếu công trình trị giá 10.000 tỷ thì mức thưởng 5% là bao nhiêu? Xây dựng cơ bản là nên áp dụng hình thức phạt, có phạt chứ thưởng thì tôi chưa nghe", ông Giàu nói.