Trước thông tin hoài nghi về việc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chưa đi “trúng đích” trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định không có sự ưu tiên khi xét dự án được vay và đối tượng hướng tới lớn nhất vẫn là người thu nhập thấp cần mua nhà ở.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến trung tuần tháng Bảy, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng cá nhân vay mua nhà trong gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng hiện đang tích cực thẩm định để giải ngân theo quy định, riêng VietinBank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ.

Về cho vay đối với doanh nghiệp, phía Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận đã giải ngân cho Công ty cổ phần Vicoland với số tiền là 34 tỷ đồng đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ cho một số đơn vị khác như Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân - chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh...

Hiện cả nước đã có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu từ 4.700 căn hộ tăng lên 6.600 căn hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết ngay từ đầu tháng Sáu, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề xuất 30 dự án nhà ở xã hội và nhóm chuyển đổi mục đích để ngân hàng xem xét, thẩm định cho vay đợt 1. Đây là những dự án đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, có quyết định phê duyệt, được chấp thuận đầu tư hoặc đã có quyết định cho phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, có đất sạch và giấy phép xây dựng...

Trong số 30 dự án này, chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), bốn doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%). Trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án, thành phố Đà Nẵng 6 dự án, thành phố Hà Nội có 4 dự án, tỉnh Đồng Nai 3 dự án...

Tiêu chí xác định doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác thuộc các thành phần kinh tế, cũng như không có sự phân biệt khác nhau giữa các địa phương theo vùng miền.

Các cá nhân đủ điều kiện vay vốn mua nhà cũng phải có hợp đồng ký từ thời điểm ngày 7/1/2013 trở đi. Do đó, các chủ đầu tư cần sớm có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Bởi vậy, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung. Chỉ sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ mới có thể đẩy nhanh được.

Đến nay, chưa phát hiện một trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật; thậm chí còn có ý kiến cho rằng phía ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong việc giải ngân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định Nghị quyết 02 đã quy định rõ đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Mặt khác, Nghị quyết này cũng quy định đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang thành nhà ở xã hội. Bởi vậy, quan điểm cho rằng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 là không đúng với nội dung quy định của Nghị quyết 02.

Với những tổ chức được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ bao gồm các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Còn các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, bao gồm cả dự án thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng không thuộc diện được vay từ gói hỗ trợ này.

Theo Bộ Xây dựng, hàng tồn kho bất động sản không chỉ bao gồm các sản phẩm nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang mà còn bao gồm cả các dự án đã triển khai việc giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoặc đã đầu tư xây dựng một phần công trình... Hầu hết các dự án nhà ở xã hội được triển khai đều được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới. Để có quỹ “đất sạch” 20%, các doanh nghiệp và cả khách hàng góp vốn đã đầu tư chi phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu.

Bộ Xây dựng cho rằng việc sử dụng gói hỗ trợ để cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội là giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép,” qua đó, vừa góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn, đồng thời vừa giải quyết tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng và các hàng hóa khác./.

Hoàng Thu (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.