Mặc dù thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật Nhà ở mà Bộ Xây dựng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, nhưng nhiều ĐBQH “bác” ý kiến thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội.

Sáng nay (24/10), Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về việc có nên thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội hay không, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, qua thảo luận ghi nhận 2 luồng ý kiến: Thứ nhất, không tán thành việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội. Thứ hai, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính Nhà nước này.

Phân tích điểm được, mất khi thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) khảng khái, không nên cho thành lập quỹ này. Vì ngay trong dự thảo Luật sửa đổi đã có quy định chính sách ưu đãi cho nhà ở công vụ, tái định cư…. nên không cần thiết lập quỹ này.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Đoàn ĐB Thái Bình)

Thêm nữa, phương án huy động vốn trong dự thảo Luật quy định cũng không khả thi.

“Không có lý do gì trích tiền ngân sách, tiền thuế đóng góp của dân để lập quỹ này chỉ để phục vụ cho 1 nhóm dân cư”- ĐBQH Đỗ Văn Vẻ nêu quan điểm.

Với các phương án huy động vốn khác như nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, vốn từ phát hành công trái hay tiền lãi góp tiết kiệm của người mua, thuê mua nhà ở xã hội…. cũng đều không khả thi. Bởi theo ông, những nguồn vốn trên nếu có đều để dành chi đầu tư cho các dự án lớn, cần kíp của đất nước.

“Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên lấy tiền đâu để trả lãi suất trái phiếu Chính phủ? Còn nếu nói lấy tiền góp vốn tiết kiệm từ người mua nhà thì cũng không có cơ sở, vì họ có tiền thì mua đứt nhà chứ lý do gì trích tiền đóng vào quỹ”- ông Vẻ nói.

Lý do tiếp theo khiến ĐBQH Đỗ Văn Vẻ “bác” quan điểm lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, vì đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trong khi hiện nước ta đã có hơn 50 quỹ tài chính tương tự như vậy, chưa có một báo cáo cụ thể nào về tính hiệu quả của các quỹ trên. Do đó, việc lập thêm một quỹ tài chính ngoài ngân sách để “danh sách các loại quỹ thêm dài” là không cần thiết.

Quan điểm của ĐB Đỗ Văn Vẻ cũng nhận được nhiều sự đồng thuận của các ĐBQH khác.

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch lại có góc nhìn khác. Theo ông, việc lo nhà ở cho dân là chính quyền địa phương nên chính quyền trung ương, chứ không phải Bộ Xây dựng. Trung ương cũng nên hỗ trợ địa phương phát triển quỹ nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu người dân.

Nguồn vốn cho quỹ, theo ông Lịch, có thể từ 3 nguồn: vốn ngân sách, vốn đóng góp trước thuế của doanh nghiệp và của chính người mua nhà góp tiền mua nhà trong tương lai.

"Không nên bỏ qua định chế thành lập quỹ này" - ĐB Lịch bày tỏ quan điểm.

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chủ đề: Luật Đất đai 2013,
Nguyễn Hoài (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.