Bày tỏ quan điểm về các thông tin liên quan đến việc rút giấy phép một số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần có những đánh giá khách quan, chính xác và thận trọng.
Thưa ông, hiện tại, có nhiều thông tin về khả năng rút giấy phép một số dự án quy mô hàng tỷ USD từ các địa phương. Sự việc này cụ thể thế nào, thưa ông?

Có thể nói rằng, hiện tượng một số dự án chậm triển khai là có, nhưng có rút giấy phép hay không, thì cần phải có những đánh giá hết sức thận trọng, căn cứ chặt chẽ vào các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư. Nếu dự án chậm triển khai vì chủ đầu tư không có năng lực tài chính, hoặc không có khả năng triển khai, thì phải cương quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Nhưng với những dự án chậm tiến độ mà chủ đầu tư giải trình được lý do chính đáng (như do khó khăn trong giải phóng mặt bằng; do giá nguyên nhiên liệu tăng dẫn tới phải có thêm thời gian để điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư; hoặc do từ khi lập dự án đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư quá dài, mà máy móc, thiết bị, công nghệ trên thế giới có những biến động lớn…), thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cần xem xét cho phép giãn tiến độ dự án, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, mấu chốt của vấn đề là phải xác định được rõ lý do chậm trễ của các dự án?

Phải nhìn nhận một thực tế là, ở nhiều địa phương, việc mời gọi được nhà đầu tư lớn là rất khó khăn. Khi họ đã vào, dự án được triển khai thuận lợi, thì sẽ tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Tuy nhiên, nếu dự án chậm trễ do năng lực của chủ đầu tư kém, thì tác động tiêu cực đối với địa phương cũng không nhỏ.

Nhưng để chứng minh được năng lực thực hiện của chủ đầu tư, để đánh giá là vốn “ảo” hay không theo cách nói của nhiều người, thì cần phải căn cứ trên quy trình giám sát, đánh giá với căn cứ pháp luật chặt chẽ. Không thể đánh giá bằng cảm tính, chủ quan, làm nản lòng các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung.

Đây cũng là lý do mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục yêu cầu chủ đầu tư các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, có tác động đến môi trường, phải có báo cáo chi tiết về tiến độ, những khó khăn nếu có trong thực hiện dự án để có hướng xử lý kịp thời.

Ví dụ, tháng 5/2010, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 2879/BKH-ĐTNN gửi UBND các tỉnh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mới đây, ngày 18/8/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gửi Công văn số 5714/BKH-ĐTNN yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình triển khai các dự án lớn, sử dụng nhiều đất…

Việc tăng cường giám sát các dự án đầu tư quy mô lớn, các dự án trong các lĩnh vực trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản, vui chơi có thưởng, bất động sản… cũng đang được thực hiện để báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Vậy thưa ông, vai trò của các cơ quan quản lý trong triển khai dự án có vốn đầu tư nước ngoài nên được nhìn nhận như thế nào?

Nói về triển khai dự án, trước hết phải nói đến trách nhiệm của các chủ đầu tư trong thực hiện đúng cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, diễn biến của các yếu tố chủ quan, khách quan liên quan đến dự án trong quá trình triển khai có hội tụ đúng theo tính toán ban đầu của chủ đầu tư hay không cũng tạo nên sự thành công của dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình này, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp cũng có vai trò quan trọng. Nếu các cơ quan quản lý làm tốt công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát ở khâu triển khai dự án, thì những khó khăn trong quá trình triển khai dự án sẽ được phát hiện kịp thời, có phương án hỗ trợ, xử lý phù hợp. Đây là câu chuyện mà chúng ta cần phải nhấn mạnh.

Cafeland.vn - Theo Khánh An (Báo ĐầuTư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland