16/04/2012 4:19 PM
Nhiều khách hàng tham gia mua đất đấu giá tại Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội đang đối mặt với việc bị thu hồi lại đất và mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc.

Nhiều người khốn đốn với đất đấu giá. Ảnh: Nguyễn Tú


Trong đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan báo chí những khách hàng tham gia mua đất đấu giá cho biết, cuối năm 2010 họ tham gia phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại Trâu Quỳ- huyện Gia Lâm, trong đó, đã có gần 80 khách hàng trúng thầu.

Theo quy chế đấu giá đất, người tham gia đấu giá sẽ phải nộp khoản tiền đặt cọc 300 triệu đồng/hồ sơ. Nếu trúng thầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ tiền sử dụng đất đúng hạn. Nếu nộp chậm sẽ phải nộp lãi trên số tiền chậm nộp theo lãi vay ngân hàng.


Thông báo cũng nêu rõ, thời gian chậm nộp không quá 3 tháng kể từ ngày hết hạn. Sau thời hạn trên nếu chưa nộp tiền, người trúng đấu giá được hoàn lại số tiền đã nộp và không được tính lãi, trượt giá, đồng thời bị phạt tiền (bằng số tiền đấu giá), bổ sung vào ngân sách nhà nước.


Tuy nhiên, do thị trường BĐS giảm sút mạnh, giá trúng thầu lại cao nên nhiều người đã đấu giá thành công không đóng tiền theo tiến độ hợp đồng mà buộc phải làm đơn rút lại tiền.


“Tổng giá trị căn biệt thự hơn 300m2 đấu giá trúng là trên 6 tỷ đồng, tôi đã đóng được gần 2 tỷ đồng, nhưng hiện tôi không thể tiếp tục đóng tiền được nữa do khó khăn về tài chính nên đã làm đơn xin rút lại tiền và chịu phạt như quy chế đấu giá. Thế nhưng nộp đơn xin rút tiền gần 6 tháng nay vẫn không được huyện giải quyết”-Anh T. - một khách hàng cho biết.


Anh T., cũng cho rằng, việc tổ chức đấu giá đất tại một số quận huyện khác như Đông Anh, Long Biên có quy định rất cụ thể trường hợp người trúng giá không nộp tiền thì đúng ngày thời hạn đóng tiền khách hàng không đóng sẽ phải chấp nhận mất cọc và cơ quan đấu giá hoàn trả lại số tiền còn lại.


“Riêng huyện Gia Lâm không có chế độ trả lại như vậy, đó là điều vô lý bởi chỉ tính riêng tiền đặt cọc mà huyện thu là khoảng 24 tỷ đồng. Và trong trường hợp hủy kết quả đấu giá lần này thì huyện sẽ lại thu được một khoản lớn tiền cọc mới trong phiên sắp tới.”-Anh T, nói.


Theo tìm hiểu, được biết trong số gần 80 khách hàng đã trúng phiên đấu giá đất thì hiện hầu hết đều mong muốn được rút lại số tiền đã đóng. “Ngoài lý do thị trường BĐS trầm lắng kéo dài thì giá trúng thầu đợt này quá cao, chưa nói nhiều người còn mất hàng trăm triệu để mua lại suất của người trúng thầu nên ai cũng muốn rút lại tiền”-Chị Nga, một khách hàng nói.


Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Toản-Giám đốc Ban dự án huyện Gia Lâm cho biết: “Hiện khách hàng đóng tiền nhiều nhất là 5 tỷ đồng, số còn lại đóng rải rác. Về phương án hoàn trả lại tiền cho những khách hàng đã trúng thầu mà muốn rút lại tiền hiện vẫn đang chờ ý kiến của Sở Tài chính để có tiền trả lại cho khách”.


Ông Toản cũng cho biết, do thị trường BĐS sụt giảm nên kế hoạch đấu giá đất của huyện cũng gặp rất khó khăn khi mà các khách hàng bỏ cọc, xin rút tiền hoặc không chịu đóng tiền tiếp.


“Hiện chưa có giá sàn để tôt chức phiên đấu giá lại, nhưng theo tôi sắp tới giá đất đấu giá sẽ phải thấp hơn”-Ông Toản nói.


Ông Nguyễn Huy Việt-Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Theo quy chế về đấu giá đất, huyện sẽ phải thu số tiền cọc là 300 triệu đồng và hoàn trả lại cho người mua số tiền đã đóng. Việc thu tiền từ tiền đất đấu giá đã nộp hết cho thành phố, nên việc trả lại tiền cho khách vẫn phải báo cáo với thành phố để kiểm duyệt”.


Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Hà Nội, năm 2011 kế hoạch đấu giá đất của một số quận huyện đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chính việc không hoàn thành kế hoạch là do có tình trạng nhiều hộ đã trúng đấu giá song chậm nộp tiền. Ngoài ra, do thị trường biến động nên giá đất giảm mạnh vì vậy nhiều người đấu giá không có khả năng tài chính nộp tiếp, một số hộ chấp nhận trả lại đất đã đấu giá.

Chủ đề: Đất đấu giá
Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland