05/03/2013 7:40 AM
Thực trạng quản lý đô thị ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng những năm gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại bởi các nguyên nhân...

Hệ thống pháp luật chưa đủ để vận hành nền kinh tế thị trường nên nảy sinh nhiều tiêu cực luật pháp về đô thị chưa đủ, chưa đồng bộ, pháp chế chưa nghiêm; cơ sở hạ tầng lạc hậu, không đồng bộ, xuống cấp, làm phát sinh những hậu quả xấu; công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch đô thị chậm, chưa đồng bộ, chưa phân biệt được quản lý đô thị với quản lý nông thôn (điều này thể hiện trong công tác tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, trình độ cán bộ…).

Trước thực trạng trên, đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải có những nét đặc thù riêng, bảo đảm các nguyên tắc: Tập trung thống nhất cao; dựa theo quy hoạch; quản lý trực tiếp; phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp; triệt để sử dụng công cụ pháp luật đồng bộ; bộ máy quản lý đô thị tinh gọn, con người có năng lực, phương tiện hiện đại; đô thị phải là một pháp nhân công đầy đủ; giảm cấp quản lý trên địa bàn đô thị.

Để thực hiện nguyên tắc trên cần thành lập một chính quyền đô thị. Trong đó, giảm phân cấp quản lý trên địa bàn nhằm tổ chức chính quyền đô thị gọn nhẹ. Điển hình là việc TPHCM được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Cần chú trọng tổ chức cơ quan tham mưu giúp việc là các sở liên ngành đa lĩnh vực theo hệ thống dọc.
Điều này tránh được mâu thuẫn giữa ngành (sở) và cấp (quận, huyện). Tổ chức mô hình phi phòng ban gồm 2 hình thức là tổ chuyên viên và theo dự án. Theo đó, không cần lập phòng ban mà lập các tổ chuyên viên có trình độ cao đưa về các vùng đô thị theo từng nhu cầu, các chuyên viên sẽ thay mặt chính quyền giải quyết công việc cho công dân. Còn tổ chức theo kiểu dự án tránh được sự chồng chéo, không đồng bộ giữa các ngành, tập trung sức lực và tiền của, tránh lãng phí.

Thành lập chính quyền đô thị cũng đồng nghĩa với việc trao cho đô thị tư cách “pháp nhân công pháp”. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền tự chủ, có tính độc lập tương đối, có tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Qua đó, chính quyền tự chủ về mặt nhân sự, tổ chức bộ máy và trong cơ chế phối hợp vùng, phối hợp liên đô thị để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội ở tầm khu vực và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, khi thành lập chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện tổ chức các đô thị vệ tinh. Có như vậy mới tạo dựng một không gian đô thị thông thoáng, giảm áp lực cho đô thị trung tâm.

Lâu nay, chúng ta “dùng chiếc áo của nông thôn để mặc cho đô thị” do chưa phân biệt sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn khi thiết kế mô hình quản lý. Vì vậy, việc xây dựng chính quyền đô thị là điều cần kíp để cởi chiếc áo đã quá chật nhằm tạo động lực để đưa các đô thị lớn phát triển.

Diệp Văn Sơn (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.