Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (nằm trên địa bàn P.Phước Long A và P.Phước Bình, Q.9, TP.HCM) là một trong những dự án đô thị hiện đại, lần đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm kêu gọi đầu tư với phương thức một chủ đầu tư chính và tám nhà đầu tư thứ cấp, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thế nhưng, nhanh đâu không thấy, chỉ thấy từ ngày khởi công (năm 2001) đến nay, đường sá dở dang, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, các nhà đầu tư nhận đất rồi bỏ hoang...

Tái định cư trên giấy, lơ tiền hỗ trợ tạm cư


Đưa chúng tôi xem Biên bản hoán đổi đất số 02/03/BB-HĐĐ ký năm 2003 với đại diện Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất Q.10 (Res 10), ông Lâm Văn Son (số 82, KP.5, P.Phước Long A) kể, khoảng đầu năm 2001, chính quyền địa phương thông báo nhà ông sẽ bị thu hồi đất để làm dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Khoảng một năm sau, đại diện Res 10 thương lượng bồi thường với ông. Sau khi thỏa thuận, ông đồng ý giao 10.992m2; đổi lại, Res 10 giao cho ông một nền đất tái định cư đã hoàn chỉnh hạ tầng, diện tích 119m2 có giá tương đương 79.360.000đ trong khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Hai bên đồng ý ký biên bản hoán đổi như đã thỏa thuận.


Sau đó, dù ông đã giao đất cho Res 10, nhưng nền tái định cư của ông thì chẳng thấy đâu. Chờ hơn một năm, ngày 5/3/2004, chủ đầu tư đưa ông bản đối chiếu công nợ số 3810/BĐCCN, đề nghị ông ký xác nhận việc hoán đổi đất giữa hai bên, để gửi về CT. Ông ký xác nhận xong, nền tái định cư cũng chẳng thấy. Ông tiếp tục khiếu nại thì… năm năm sau, ngày 3/2/2009, chủ đầu tư tiếp tục gửi bản đối chiếu công nợ, đề nghị ông ký xác nhận lại sự việc trên, nhưng nền tái định cư thì vẫn “biệt tích”. Ông hỏi, họ lại bảo… chờ tiếp.


Tại phương án tổ chức tái định cư số 05/PABT-HĐBT do UBND Q.9 ban hành ngày 22/5/2007, có nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư chưa tổ chức tái định cư được, nhưng do yêu cầu sớm giải phóng mặt bằng để thi công thì các hộ thuộc diện tái định cư sẽ được bố trí vào khu tạm cư do chủ đầu tư xây dựng hoặc thuê. Trường hợp các hộ dân tự thu xếp nơi tạm cư thì chủ đầu tư hỗ trợ chi phí thuê nhà... kể từ khi có biên bản bàn giao mặt bằng đến khi ký nhận biên bản bàn giao căn hộ chung cư hoặc biên bản nhận nền tái định cư. Đối với hộ được bố trí tái định cư bằng nền đất sẽ được hỗ trợ thêm tiền tạm cư sáu tháng kể từ ngày ký biên bản nhận nền nhà tái định cư trong thời gian chờ xây dựng nhà hoàn chỉnh”. Nhưng, theo ông Son, từ khi ông ký biên bản bàn giao đất cho chủ đầu tư, đến nay, ông không hề nhận được một đồng nào từ phía chủ đầu tư.


Khổ vì dự án “rùa”

dự án 10 năm vẫn dang dở


Chính quyền can thiệp quá sâu vào việc bồi thường?


Theo báo cáo sơ kết công tác thanh tra nhân dân sáu tháng đầu năm 2010 của P.Phước Bình được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường thông qua, trước khi có quyết định (QĐ) giao đất của Chính phủ, Res 10 đã lập ra phương án giá ngày 30/3/2000, áp dụng theo khung giá đền bù từ năm 1995. Trong khi đó, QĐ 282/QĐ-TTg của Chính phủ giao đất cho Res 10 là vào ngày 15/3/2001.


Cũng theo Ban thanh tra nhân dân tại báo cáo này, chính quyền đã can thiệp quá sâu vào việc bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Điển hình là trường hợp của hộ ông Võ Văn Kịch (ở số 64, KP.Bến Cát, P.Phước Bình), vì ông Kịch không chấp thuận giá đền bù của chủ đầu tư đưa ra, ngày 28/11/2005, UBND Q.9 đã ban hành QĐ số 2963/QĐ-UBND-BBT, công bố giá bồi thường cho ông Kịch là 584.967.000đ. Ông Kịch không đồng ý nhưng ngày 23/12/2005, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 (BBTGPMB) vẫn ban hành Thông báo số 441/TB-BBT mời ông đến nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và nêu rõ, nếu ông không đến nhận thì BBTGPMB sẽ lập thủ tục gửi toàn bộ số tiền này vào Ngân hàng Nhà nước theo chế độ tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.


Tương tự, anh Trần Văn Đời (ở số 36 Nam Hòa, KP.5, P.Phước Long A) phản ảnh, đất của anh chưa được chủ đầu tư thương lượng đền bù mà BBTGPMB Q.9 đã áp giá đền bù rồi gửi toàn bộ số tiền bồi thường vào ngân hàng; chủ đầu tư thì tự ý san lấp đất của anh làm dự án. Anh khiếu nại thì ngày 8/8/2011, BBTGPMB có văn bản số 646/BBT trả lời, do thời điểm đó hồ sơ nhà đất của anh đang tranh chấp nên toàn bộ số tiền mới được gửi vào ngân hàng theo quy định. Hiện nay, việc tranh chấp đã được đình chỉ giải quyết, nên đề nghị anh liên hệ với chủ đầu tư giải quyết.


Làm trái chỉ đạo của Chính phủ?


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong QĐ số 282/QĐ-TTg ban hành ngày 15/3/2001, nêu rõ “Sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật trục chính khu dân cư, Res 10 bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TP.HCM để Ủy ban giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ cấp để triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai”. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa làm xong hạ tầng nhưng đã được phân lô bán nền.


Ông N.T.M. đưa chúng tôi xem Hợp đồng thỏa thuận về việc góp vốn thi công làm nền nhà số 28… ký kết giữa ông và Xí nghiệp Thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải (doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với Res 10) nêu rõ, doanh nghiệp có trách nhiệm làm văn bản xác nhận xin sở hữu quyền sử dụng đất, nhưng đến nay gần bốn năm vẫn chưa có. Ông khiếu nại, ngày 8/8/2011 doanh nghiệp có văn bản trả lời: “Đến nay, vẫn còn tám nhà đầu tư thứ cấp chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa tiến hành làm hạ tầng nội bộ nên việc UBND TP xét cấp quyền sử dụng đất vẫn đang chờ. Tuy nhiên, trước những bức xúc về quyền lợi của người dân, xí nghiệp đã chủ động làm thủ tục xin UBND TP xét cấp đất cho xí nghiệp, nhưng chưa được”. Có nghĩa, xí nghiệp này đã phân lô bán nền khi chưa được UBND TP bàn giao đất!


Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND Q.9 cho biết, hiện Thanh tra TP.HCM và Thanh tra Sở TN-MT TP đang tiến hành thanh tra làm rõ những phản ảnh của người dân.

Theo Phan Trí (PNO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.