24/09/2014 9:32 PM
Ở thời điểm cách đây vài chục năm, việc có một chỗ để “chui ra, chui vào” với mọi người đã là “điều kiện cần và đủ”, vậy nên tình trạng các chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống, cầu thang thấp, nhỏ, tối; nhà chật, thiếu hệ thống cửa sổ… là rất đỗi bình thường.

24/24 giờ là… đêm

Bước chân lên cầu khu tập thể D2 Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), âm thanh ù ù của quạt thông gió đập ngay vào tai chúng tôi. Anh Minh, một cư dân của khu tập thể chia sẻ: “Hệ thống đèn và quạt thông gió cầu thang lúc nào cũng phải bật, 24/24 luôn, ồn ào lắm, lại tốn thêm một khoản tiền điện phải đóng góp, nhưng tất cả chúng tôi đều đồng ý, vì nếu không, với cái cầu thang tứ phía không có một khoảng sáng nào, không có một chỗ thông khí nào thế này, mà không có quạt thông gió, sẽ ẩm thấp và hôi hám vô cùng, trở thành ổ bệnh chứ chẳng chơi”.

Không chỉ tối, mà cầu thang ở đây còn rất thấp, giống như một cái “bẫy” với những người có chiều cao nhỉnh hơn trung bình một chút. “Vốn cầu thang không thấp thế này đâu, nhưng sau nhiều lần nâng đường, tôn cao sân tập thể, đã khiến cho tầng 1 trở nên rất thấp, hầu hết chúng tôi phải khom lưng khi đi qua gầm cầu thang, khách lạ tới đây, bị cộc đầu là chuyện thường xuyên. Thế nên mới có chuyện, chủ nhà vừa dẫn khách đi lên, vừa phải luôn mồm nhắc: 'Anh cẩn thận cộc đầu', đến là cám cảnh”, một đại diện hộ dân của khu tập thể chia sẻ.

Hành lang luôn tối tăm ẩm thấp.

Dù đã sử dụng quạt gió thổi liên tục, nhưng ở cầu thang đi lên của khu nhà, vẫn thấy rõ mùi mốc, cũng như cảm giác ngạt thở, tức ngực. Bác Lê Thị Trâm, dãy D2 nói: “Sống lâu rồi thì cũng thành quen, nhưng đúng là không gian sống ở đây không bảo đảm sức khỏe. Chẳng riêng cầu thang đâu, trong các nhà cũng ẩm thấp lắm. Như nhà tôi đây, tường nhà luôn ẩm, bong vôi vữa, năm nào cũng phải trát lại rồi quét vôi ve lại, mà vẫn thấy không ổn”.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại dãy nhà C1 Nguyễn Công Trứ. Anh Hoàng Anh Dũng, một cư dân tại đây, cho biết: “Khu nhà lúc nào cũng trong tình trạng ban đêm, dù ngoài trời đang nắng chang chang chính ngọ, vì vậy ngoài 'thổ dân' là chúng tôi, thì khách lạ đến đây khó mà tìm đường đi nổi, vì tối om như đi trong đường hầm. Chính vì vậy, hầu hết các hộ tầng 1 đều trổ cửa nhà ra phía sau làm cổng chính, còn lối vào trước đều là cửa phụ và chốt cửa im ỉm. Các hộ tầng trên thì đành chấp nhận bật đèn cả ngày cho rõ đường đi lại”.

“Tường thì luôn ẩm. Cách đây vài năm, gia đình tôi đã phải đập hết tường ra trát lại bằng xi măng cát, đồng thời sử dụng một số công nghệ mới như đặt chất hút ẩm ở chân tường, nhưng chỉ được một thời gian, tường vẫn 'chảy mồ hôi' do độ ẩm hút trong tường cao. Vẫn biết ở ẩm thấp như thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vẫn chưa có cách khắc phục”, anh Dũng cho biết thêm.

Bài ca thấm dột

Không chỉ ẩm thấp, mà tình trạng thấm dột cũng là một “vấn nạn” tại các khu tập thể cũ. Nào là tầng thượng thấm dột khiến cả khu chịu trận theo, nào là đường ống thoát nước sinh hoạt, đường ống thoát nước mưa bị vỡ, dập khiến nước rỉ xuống cả dãy nhà, lúc nào cũng lướt thướt rêu phong, chưa kể ô nhiễm vì mùi. Rồi tầng trên thấm dột, ảnh hưởng nặng nề xuống tầng dưới…

Gia đình bà Mai Hương, phòng số 302 (tầng 3), dãy H1, khu tập thể Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (phố Kim Mã Thượng, Ba Đình) là một “nạn nhân” điển hình nhất của tình trạng thấm dột trong khu tập thể. Do căn hộ trên tầng 4 cải tạo, cơi nới thêm diện tích và di dời hệ thống nhà bếp, khu vệ sinh sang vị trí khác, nhưng không bảo đảm hệ thống chống thấm, nên nước sinh hoạt từ tầng trên đã ngấm xuống nhà bà Mai Hương. Ban đầu nhỏ giọt, sau chảy lênh láng, rồi thành vũng giữa nhà, cả ngày không khô nổi.

“Thời gian đó, tôi đang đi thăm con ở nước ngoài, nên không biết để xử lý, khi về đến nhà, thì rêu phong đã mọc ở khắp nơi, rồi mối xông làm hỏng toàn bộ tủ sách sưu tầm mấy chục năm nay. Tôi đã kiến nghị lên tổ dân phố, rồi nhiều lần có ý kiến với nhà trên tầng 4, họ cũng đã sửa chữa, nhưng dột vẫn hoàn dột, thấm vẫn hoàn thấm, đến tận bây giờ vẫn không hết được, lúc nào cũng sống như có quả bom trên đầu”, bà Mai Hương chia sẻ.

Tình trạng của gia đình bà Mai Hương cũng là "nỗi niềm" của nhiều hộ sống ở chung cư cũ khi việc cơi nới, cải tạo đã khiến cho kết cấu nhà bị thay đổi, hệ thống chống thấm không bảo đảm, dẫn tới rò rỉ nước sinh hoạt, nước thải... kéo theo bao hệ lụy khác như tường ẩm, mốc, tróc vỡ, rồi mối mọt.

Thực tế cho thấy rõ, cuộc sống người dân Hà Nội tại chung cư cũ trong quá trình đô thị hóa đang bị ảnh hưởng nhiều bởi sự xuống cấp, cơi nới, sự không đồng bộ về hạ tầng… Và việc cải tạo, xây mới lại các chung cư cũ xem ra là giải pháp duy nhất, tuy nhiên, ai cải tạo, ai xây mới, khi nào việc này sẽ được triển khai, thì người dân lại không quyết được mà chỉ có thể… mong chờ.

  • Khó như 'tìm áo mới' cho chung cư cũ

    Khó như 'tìm áo mới' cho chung cư cũ

    Trong số 1.155 khu chung cư cũ của Hà Nội, chung cư “ trẻ nhất” cũng thâm niên 20 - 30 năm, còn “già nhất” tới 50 - 60 năm. Với “tuổi đời” như vậy, nên không thể trách vì sao môi trường, cảnh quan các chung cư cũ lại “xấu tệ”, đời sống người dân ở chung cư lại “cám cảnh” tới vậy.

Xuân Minh (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.