16/09/2012 10:03 AM
Từ năm 2005 đến nay, sau khi giao đất cho tỉnh xây dựng các công trình thủy lợi, khu hành chính... hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc RaGlai ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc (Ninh Thuận) và chính quyền cơ sở liên tục kiến nghị tỉnh cấp đất ở, đất sản xuất để người dân ổn định đời sống khi đến nơi ở mới nhưng chưa được giải quyết.

Thiếu đất sản xuất, nguồn lương thực của người dân bị sut giảm.

Lại phá rừng làm rẫy

Năm 2005, hơn 600 hộ người dân tộc RaGlai ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái đã giao đất cho tỉnh xây dựng hồ thủy lợi Sông Sắt. Nhưng do đất khai hoang tại khu định canh mới rất cằn cỗi và không đủ cấp cho người dân, cho nên nhiều hộ đã quay lại phá rừng làm rẫy hoặc trở lại làng cũ sinh sống.

Chủ tịch UBND xã Phước Thắng Katơ Chiêu cho biết: Nhiều hộ phải đi lên sườn đồi, mé núi Ðông-ka-ra, núi Ro, núi Gà Bươi, Núi Rây... phá rừng làm rẫy, địa phương nhiều lần vận động nhưng họ nói chưa được cấp đất thì không xuống núi!

Cuối năm 2009, 153 hộ dân ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa cũng dời về nơi ở mới (cách nơi ở cũ năm km) để giao đất cho tỉnh xây dựng hồ Tân Mỹ, nhưng hơn ba năm qua vẫn chưa có đất sản xuất. Hàng trăm hộ khác nhường đất xây dựng đập Ô Căm, hồ Phước Trung... cũng chung cảnh ngộ. Huyện Bác Ái hiện có gần 700 hộ dân tộc RaGlai thiếu đất sản xuất với diện tích hơn 336 ha.

Từ năm 2005 đến 2011, huyện Thuận Bắc đã thu hồi 595 ha đất của người dân, đồng thời giao thêm 1.000 ha quỹ đất nông nghiệp của huyện cho các dự án khu công nghiệp Du Long; khu du lịch Bình Tiên; xây dựng hai hồ chứa nước Sông Trâu và Bà Râu... Huyện đã khai hoang, sử dụng luôn quỹ đất dự phòng của xã, giao 100 ha đất sản xuất cho 337 hộ dân thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, nhưng vẫn còn 432 hộ thiếu đất ở và 733 hộ thiếu đất sản xuất với gần 200 ha.

Chúng tôi đến thôn Ha-Lá-Hạ, xã Phước Thắng, đã có 52 hộ về rẫy cũ mưu sinh. Anh Pi Năng Trí nói: Bà con phải đi lên núi cao trồng bắp, trồng đậu, chăn nuôi heo để có cái ăn và kiếm tiền trả tiền điện, tiền nước hằng tháng. Hàng trăm hộ khác thì đi làm thuê kiếm sống.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, đất sản xuất nông nghiệp của xã Phước Thắng được chia thành bốn nhóm, gồm: nhóm đất xám bạc màu (hơn 41 ha, chiếm 1% diện tích đất tự nhiên); nhóm đất đỏ và xám nâu vùng bán khô hạn (2.759 ha, chiếm 58,34%); nhóm đất đỏ vàng (1.870 ha, chiếm 39,7%) và nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (51,27 ha, chiếm 1,08%). Bốn nhóm đất này có đặc điểm chung là được phân bố trên những đồi, núi dốc cao ở phía nam của xã; có thành phần cơ giới nặng, phản ứng đất chua vừa đến chua các yếu tố dinh dưỡng cho cây trồng, như: mùn, đạm, lân và ka-li đều ở mức nghèo đến rất nghèo, cho nên ít có ý nghĩa cho sử dụng nông nghiệp. Chính quyền rất lúng túng để lựa chọn các phương án bố trí cây trồng phù hợp. Xã Phước Thắng hiện có hơn 700 hộ với 2.654 nhân khẩu, với 721 ha đất sản xuất. Trong năm 2011, nếu lấy tổng sản lượng lương thực (lúa, bắp...) để chia theo số nhân khẩu toàn xã, bình quân mỗi khẩu khoảng 280kg/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã, Katơr Tin, cho hay: Ðịa phương vận động bà con chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu, nhưng diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp, chăn nuôi không phát triển, cho nên người dân rất khó khăn để thoát nghèo.

Quỹ đất không còn ?

Theo Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Pi Năng Thị Thủy, những nơi triển khai dự án gần như đã hết quỹ đất để tái định canh. Ðất nông nghiệp thì khan hiếm, nhưng định mức hỗ trợ khai hoang cho mỗi héc-ta chỉ có mười triệu đồng; hỗ trợ phục hóa, cải tạo cho một héc-ta đất sản xuất là năm triệu đồng là quá thấp. Người dân RaGlai nghèo, không có khả năng bỏ thêm vốn để khai hoang, cải tạo đất. Vả lại, đất khai hoang chỉ phù hợp với việc trồng rừng sản xuất hơn là trồng cây lương thực.

Minh chứng cho điều này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, toàn huyện đã có 564 hộ cho người khác thuê hoặc sang nhượng hơn 400 ha đất để trồng rừng, trong đó hơn một nửa diện tích liên quan các chương trình tái định canh, chương trình 134 và chương trình có sự hỗ trợ từ chính sách 30a của Chính phủ.

Ðiều đáng nói ở đây là khi thực hiện các dự án mà Nhà nước có thu hồi đất của người dân đều đề cập đến việc tái định canh, định cư. Nhưng lâu nay, không chỉ tại Ninh Thuận mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn thường chú tâm việc thu hồi đất để xây dựng công trình; riêng phần tái định cư, định canh dường như chỉ thực hiện trên giấy, nếu có thì cũng làm "qua loa". Khi người dân bức xúc, thì tỉnh chỉ đạo huyện lập quy hoạch cấp đất, nhưng lại không quan tâm cơ sở gặp khó khăn gì; đất mới được khai hoang có bảo đảm các điều kiện sản xuất hay không. Thực tế, phần lớn diện tích đất khai hoang tại các huyện Bác Ái, Thuận Bắc rất nghèo dinh dưỡng. Muốn trồng trọt tạm thời phải mất vài năm cải tạo đất. Hiện tại, nhiều địa phương đã hết quỹ đất dự phòng, trong khi chi phí cho việc khai hoang rất cao (từ 50 đến 70 triệu đồng/ha), nhưng hiệu quả sản xuất thấp, làm cho người dân nản lòng.

Cuối tháng 7-2012, Tổ công tác số 6 thuộc Ðoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát thực tế tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện Bác Ái và Thuận Bắc. Trước những bức xúc của người dân, đoàn đã yêu cầu lãnh đạo hai huyện tiếp tục kiến nghị, tỉnh sớm cấp đất cho người dân; nhất là ở những khu tái định cư mới do Nhà nước thu hồi đất xây dựng các công trình để ngăn chặn tình trạng người dân phá rừng làm rẫy... nhưng e rằng vấn đề đặt ra sẽ rất khó giải quyết kịp thời tại Ninh Thuận

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 1.448 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu đất ở, đất sản xuất, trong đó, số hộ đã giao đất cho tỉnh xây dựng công trình chiếm hơn một nghìn. Ðơn cử như huyện Bác Ái đang thiếu đất để giao cho người dân thôn Suối Lở (xã Phước Thành); 52 hộ dân tái định cư xã Phước Thắng (thuộc dự án hồ Sông Sắt); không có đất để thực hiện dự án khai hoang tái định canh cho 33 hộ tại xã Phước Trung, đất sản xuất để giao 70 ha cho người dân tái định cư hồ Trà Co (xã Phước Tân)...

Là một trong số những huyện nghèo của cả nước đang thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận cũng đã và đang lập quy hoạch để phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Bác Ái đến năm 2015 và đến năm 2020, nhưng hơn 50% số xã thiếu đất sản xuất (5 trong số 9 xã), không biết đến bao giờ, đồng bào dân tộc RaGlai ở đây mới được cấp đất để ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo ?

Theo Nguyễn Trung (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.