15/11/2012 8:10 AM
Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2010-2020 là bước đột phá quan trọng để đưa nhân lực trở thành nhân tố cạnh tranh nhằm đáp ứng các mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của ngành xây dựng.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về Quy hoạch này.

- Lần đầu tiên, ngành Xây dựng có Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực với tầm nhìn dài hạn. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của quy hoạch quan trọng này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, ngành Xây dựng đã chủ động xây dựng, triển khai các chiến lược và quy hoạch phát triển, trong đó có Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của ngành xây dựng.

Quy hoạch này tập trung nâng cao chất lượng đào tạo các bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đồng thời tập trung mở rộng quy mô đào tạo nghề đi đôi với đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, đào tạo nghề chuyên biệt, nghề đặc thù, nghề có lợi thế so sánh,… coi đây là khâu đột phá. Quy hoạch này là cơ sở để xây dựng các cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển nhân lực của ngành và từng đơn vị nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nhân lực ngành xây dựng, góp phần thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020.

Nhân lực ngành xây dựng bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, cán bộ, viên chức chuyên môn nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và đội ngũ công nhân lao động với trên 3,1 triệu người (năm 2010), chiếm 6,34% lực lượng lao động cả nước, trong đó 41% đã qua đào tạo. Năm 2015 phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 52% và tiến tới tỷ lệ khoảng 65% vào năm 2020 trong đó khoảng trên 5.000 người có trình độ sau đại học; 200.000 người có trình độ đại học; 124.000 người có trình độ cao đẳng, trên 1,32 triệu người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và 3,32 triệu người được đào tạo nghề…. Đặc biệt, khoảng 50-60% cán bộ, công chức, viên chức, lao động đã qua đào tạo cơ bản được đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc.

Để triển khai quy hoạch, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều công việc quan trọng như quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo thuộc ngành; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; tập trung phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp; xây dựng đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn trong các lĩnh vực,…..

- Công tác đào tạo hiện nay đang tạo ra bất cập “thừa thầy-thiếu thợ” trong khi đặc thù của ngành là sử dụng một lượng lớn lao động sản xuất vật chất trực tiếp. Vậy quy hoạch của ngành đã giải quyết bài toán này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Do công tác quản lý, dự báo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa thống kê được chính xác nhu cầu lao động nên việc xác định và điều tiết cơ cấu trình độ, ngành đào tạo chưa hợp lý, thiếu gắn kết giữa đào tạo với sử dụng. Thực trạng này khiến tình trạng thừa thầy thiếu thợ ngày càng trầm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, nhất là ở nhóm nghề nặng nhọc và các chuyên ngành mới, ít đào tạo hoặc thiếu hụt so với nhu cầu như xây dựng công trình ngầm, công trình có yêu cầu đặc biệt, quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện công trình,.…

Để khắc phục những tồn tại này, các trường nghề sẽ mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình và cơ cấu đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực của ngành. Các nghề cơ bản thông dụng sẽ mở tại địa phương với nhiều loại hình và thời gian phù hợp. Các nghề chất lượng cao, nghề chuyên biệt, đặc thù, công nghệ xây dựng mới sẽ do các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng, các bộ ngành, doanh nghiệp nhà nước chủ trì...hoặc liên kết với các đơn vị có uy tín trong và ngoài nước để thực hiện.

Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề ở trình độ sơ cấp nghề, đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng cho những người chưa có nghề; khuyến khích người học lựa chọn danh mục nghề có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đồng thời có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng đã qua đào tạo. Mục tiêu là phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo dưới các hình thức, cấp học, ngành học khác nhau; đủ số lượng và chất lượng nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực; đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa cấp học, ngành học và địa phương.

- Vậy xin Bộ trưởng cho biết ngành xây dựng đã có giải pháp gì để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của ngành xây dựng, chất lượng nguồn nhân lực của ngành đang dần được cải thiện. Hiện tại, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đang quản lý 28 cơ sở đào tạo các cấp, tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Bộ Xây dựng đã quy hoạch mạng lưới các trường thuộc ngành; đồng thời tập trung đầu tư các trường trọng điểm vùng-trọng điểm ngành, các trường thuộc Bộ dự kiến nâng cấp lên các hệ đào tạo cao hơn.

Thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người cho các cơ sở đào tạo, Bộ sẽ tập trung cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; trong đó ưu tiên vốn ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư chiều sâu, đầu tư tăng cường năng lực... Bộ cũng khuyến khích các cơ sở đào tạo xây dựng các mô hình hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường để giải quyết việc làm, đáp ứng kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhằm thu hút người lao động, nhất là các chuyên gia giỏi, đội ngũ trí thức trẻ trên cơ sở thực hiện chế độ đặc thù, nhất là đối tượng thường xuyên lưu động theo các công trình, công việc không ổn định, thường xuyên công tác và làm việc tại môi trường nặng nhọc, độc hại, các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới…../.

Theo Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.