Kết quả kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 đã hoàn thành. Đây là cơ sở để phục vụ nhu cầu sử dụng dữ liệu về đất đai cho quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên, qua kiểm kê cho thấy, để đưa công tác quản lý đất đai vào nền nếp, sử dụng đất có hiệu quả cao thì tới đây, phải tháo gỡ một số bất cập trong quản lý.


Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Ảnh: Hải Linh

Nhiều địa phương sử dụng đất trái phép


Toàn bộ số liệu kiểm kê đất đai với 11.076 xã, 693/693 huyện và 63 tỉnh đã có dữ liệu kiểm kê và bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở dạng số đã cơ bản hoàn thành. Qua đó, các cấp, ngành sẽ có cơ sở hoàn thiện và đưa công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ thành nền nếp theo như quy định của Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật của công tác quản lý sử dụng đất trong 5 năm qua, kết quả kiểm kê đất đai 2010 cũng phản ánh những bất cập trong quản lý, sử dụng đất.


Một trong những bất cập điển hình là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép (trong 5 năm qua) ở các địa phương, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, trong đó chủ yếu là chuyển đất trồng lúa nước sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm; tình trạng mua bán, chuyển mục đích trái phép đất nông nghiệp thành đất ở vùng ven TP Hà Nội và TP HCM; tình trạng mua gom đất nông nghiệp để chờ dự án, dẫn đến bỏ hoang hóa đất ven các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh lân cận), là nguy cơ lớn đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển ổn định về kinh tế - xã hội của đất nước.


Cả nước có 249 khu công nghiệp được thành lập, nhưng mới có 162 khu đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 50,95%. Việc phát triển các khu công nghiệp ở một số địa phương còn dàn trải; nhiều khu công nghiệp xây dựng đã lâu nhưng không thu hút được đầu tư nên tỷ lệ lấp đầy thấp, đất bị bỏ hoang hóa, lãng phí (điển hình tại Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương...); nhiều địa phương triển khai xây dựng các khu công nghiệp nhưng vẫn thực hiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án ngoài khu công nghiệp (5 năm qua cả nước đã giao, cho thuê 31.101 ha đất cho các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp).


Về việc dành quỹ đất nông nghiệp cho công ích của xã, pháp luật đất đai quy định mỗi xã chỉ để lại không quá 5% đất nông nghiệp để dành cho công ích, tuy nhiên kết quả kiểm kê cho thấy hiện còn 21 tỉnh, thành phố để lại quỹ đất này quá tỷ lệ cho phép, điển hình là Đà Nẵng 15,46%, Hà Nội 13,94%, Bắc Ninh 11,7%, Thừa Thiên Huế 11,7%, Quảng Ninh 11,59%...


Tăng cường quản lý vàchấn chỉnh đội ngũ cán bộ


Để đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, Phó cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê (Bộ TN&MT) - Nguyễn Tiến Khang cho rằng, các địa phương cần kiên quyết thu hồi đất các trường hợp vi phạm quy hoạch sử dụng đất, tăng cường quản lý đất đai các cấp, nhất là cấp xã, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật và quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Tại Hội nghị Tổng kết Dự án Kiểm kê đất đai và Xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2010 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT - Nguyễn Mạnh Hiển đã đề nghị các tỉnh, thành chấn chỉnh đội ngũ cán bộ chuyên trách và tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất.


Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, 4 nhiệm vụ trọng tâm về quản lý đất đai của các địa phương trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai, thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật đã có như Nghị định 69, 88; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với các mô hình quản lý đất đai hiện đại; tăng cường thanh tra, kiểm tra và đào tạo đội ngũ cán bộ.


Qua công tác kiểm kê đất đai, Bộ TN&MT đã đề xuất trình Chính phủ phương án giải quyết một số tồn tại trong quản lý đất đai như vấn đề tranh chấp địa giới hành chính, sử dụng đất công lãng phí…; đồng thời giao Bộ phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất những chính sách phù hợp để sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.


Cafeland.vn - Theo KT & ĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland