Trong buổi họp với các hộ dân lần trước, đại diện Keangnam Vina cho rằng phí quản lý cao là do mới chỉ có 230 căn hộ chuyển đến ở, phí quản lý thu được rất ít, trong khi phí phải chi lại không giảm nhiều.
Chiều tối 27-6, như đã giao hẹn, cuộc họp giữa cư dân Keangnam và chủ đầu tư được tiến hành, tiếp tục bàn về các khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, sau gần sáu tiếng thương thảo căng thẳng từ 17g chiều đến gần nửa đêm, hai bên vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng.


Keangnam bỏ niêm yết phí bằng USD
Cuộc họp kéo dài đến gần nửa đêm nhưng chưa đi đến kết luận cuối cùng

Bà Trịnh Thị Mai - Trưởng Ban đại diện lâm thời khu chung cư Keangnam cho biết, lần này, chủ đầu tư Cty Keangnam Vina đã có động thái tích cực, có "thiện chí" hơn hẳn, thừa nhận vai trò của Ban đại diện lâm thời do người dân bầu ra, công nhận mức phí quản lý khu chung cư phải được thỏa thuận với dân.

Trong buổi họp với các hộ dân lần trước, đại diện Keangnam Vina cho rằng phí quản lý cao là do mới chỉ có 230 căn hộ chuyển đến ở, phí quản lý thu được rất ít, trong khi phí phải chi lại không giảm nhiều. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, việc họ chưa chuyển đến ở không ảnh hưởng gì tới chi phí quản lý vì theo nguyên tắc, Keangnam Vina đã thu tiền nhà và tiền phí dịch vụ trong ba tháng của tất cả các căn hộ khi bàn giao nhà.

Còn trong buổi làm việc ngày 27-6, đại diện Keangnam Vina lại cho rằng mức phí này có liên quan đến đơn vị quản lý và vận hành tòa nhà - Cty TNHH Chestnut Việt Nam. Đại diện Chestnut cho rằng, mức giá như vậy là hợp lý. Nếu giảm tiền phí dịch vụ tới mức tối đa là 0,8 USD/m2/tháng, chất lượng dịch vụ sẽ giảm theo vì Chestnut phải cắt giảm tiền lương cho nhân viên, cắt giảm giờ làm, lễ tân sẽ chỉ trực tới 17g chứ không phải 19g30 như hiện tại...

Sau khi trao đổi, Keangnam Vina đã chấp nhận yêu cầu xem xét lại mức phí cũng như các dịch vụ tiện ích, khẳng định các hộ dân sẽ được cấp "sổ đỏ" cho căn hộ với thời hạn vĩnh viễn, bỏ qui định độc quyền trong lắp đặt truyền hình cáp... Tuy nhiên, dù Keangnam Vinan đồng ý giảm phí quản lý xuống còn 0,8 USD/m2/tháng, nhưng các hộ dân vẫn cho là cao và không tương xứng với chất lượng dịch vụ.

Do đó, Keangnam Vina cam kết trong hai tuần nữa, sẽ đưa ra mức phí mới, nếu người dân không đồng tình, sẽ tổ chức hội nghị vào nửa cuối tháng 7-2011, với sự tham dự của toàn bộ người dân đang sinh sống trong tòa nhà và báo trước cho dân chuẩn bị trước một tuần.

Tại cuộc họp này, sẽ lấy biểu quyết của các hộ dân, nếu trên 50% hộ dân đồng tình thì sẽ thông qua. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ đổi Cty quản lý, và trước ngày 31-8-2011, người dân sẽ giới thiệu Cty quản lý khác thay thế. Trước mắt, Keangnam cam kết đồng ý xóa bỏ niêm yết mức phí quản lý bằng USD.

Về phí trông giữ xe, Keangnam Vina cho biết ngày 28-6 sẽ làm việc với Sở Tài chính, tham khảo ý kiến của cơ quan này và trả lời cho người dân trong hai tuần tới. Các hộ dân cho rằng phí trông xe phải theo mức qui định của UBND TP Hà Nội, nếu thành phố điều chỉnh tăng giá, các hộ dân sẽ tuân theo, nhưng kiên quyết phản đối việc chủ đầu tư đưa ra phí "tự do" như hiện nay. Người dân cũng đề nghị được miễn phí quản lý trong sáu tháng đầu khi nhận bàn giao nhà. Riêng việc niêm yết giá bán nhà theo USD, bà Mai cho biết, cuộc họp ngày 27-6 chưa đề cập đến.

Đại diện cho các hộ dân, luật sư Bùi Quang Hưng cho biết đã chính thức gửi đơn khiếu nại Keangnam Vina tới UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội (về việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô cao quá mức giá trần do UBND TP Hà Nội qui định), Vụ quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội (về hành vi niêm yết giá bán căn hộ bằng Đô la Mỹ trong hợp đồng mua bán căn hộ, vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối). Cũng theo luật sư Hưng, trong ngày 28-6, sẽ tiếp tục gửi văn bản khiếu nại đến Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội, về hành vi Keangnam Vina đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhưng có thái độ thiếu tôn trọng pháp luật Việt Nam.
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0