Mặc dù về mặt hành chính là huyện, song 50 năm qua (5/1961 - 5/2011), Từ Liêm ngày càng phát triển và đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, với hàng loạt khu đô thị mới quy mô lớn, như Mỹ Đình, Mễ Trì, Cổ Nhuế, Ciputra…
Do nhu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, đến năm 1995, 5 xã của huyện Từ Liêm là Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng được tách ra để thành lập quận Tây Hồ. Tiếp tục năm 1996, huyện Từ Liêm bàn giao xã Nhân Chính về quận Thanh Xuân. Đến tháng 9-1997, 4 thị trấn Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và 3 xã Dịch Vọng, Trung Hòa, Yên Hòa được tách để thành lập quận Cầu Giấy. Huyện Từ Liêm còn 15 xã, 1 thị trấn với diện tích tự nhiên 75,32km2; dân số hơn 50 vạn người, với nhiều cơ quan TƯ đóng trên địa bàn. Mặc dù về mặt hành chính là huyện, song Từ Liêm ngày nay có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, với hàng loạt khu đô thị mới quy mô lớn, như Mỹ Đình, Mễ Trì, Cổ Nhuế, Ciputra (Nam Thăng Long), khu đô thị thành phố giao lưu, khu Ngoại giao đoàn… Nhiều trụ sở bộ, ngành trung tâm hội nghị, trung tâm thể thao… cũng được quy hoạch về đây, đưa Từ Liêm trở thành một phần của trung tâm hành chính mới của thành phố. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, Từ Liêm cũng xuất hiện tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi mở đường; tình trạng ô nhiễm bụi, khí thải, ùn tắc giao thông…

Vượt qua những khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, sau khi chia tách; những mặt trái của kinh tế thị trường, của đô thị hóa… Từ Liêm đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đồng thời huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế xã hội. Nhờ chuyển đổi cơ cấu đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã liên tục tăng cao từ 18% đến 21% trong những năm qua. Trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 22% năm 2005 lên 36% năm 2010. Đặc biệt, trước nhu cầu phát triển đô thị, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo với phương châm là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai, dân chủ các chế độ chính sách, đúng pháp luật. Trong giai đoạn 5 năm (2001 - 2005), Từ Liêm đã triển khai GPMB 521 dự án, với diện tích đất thu hồi hơn 2.000ha. Riêng trong năm 2010, để phục vụ cho việc xây dựng các công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Từ Liêm đã GPMB hơn 1.000ha đất phục vụ cho hơn 300 dự án. Với tình cảm và tinh thần trách nhiệm với đất nước, với Thủ đô, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chấp nhận khó khăn, sẵn sàng di dời để bàn giao mặt bằng cho các dự án đúng thời gian quy định; cơ bản các dự án triển khai trên địa bàn huyện được khánh thành đúng dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như công viên Hòa Bình, Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương kéo dài, trụ sở tiếp công dân của huyện… Ngày nay, Từ Liêm đã mang dáng vóc của một vùng đô thị mới văn minh, hiện đại.


Được đầu tư, sắp xếp, các cụm công nghiệp tập trung Cầu Diễn, Chèm, Nam Thăng Long, cụm công nghiệp Minh Khai - Xuân Phương được hình thành đã và đang hoạt động cùng 2.962 doanh nghiệp thuộc nhiều hình thức sở hữu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với hệ thống chợ truyền thống Thụy Phương, Phúc Lý (Minh Khai), Phú Diễn, chợ Trù (Cổ Nhuế), Mễ Trì, Tây Mỗ... được đầu tư xây mới, Từ Liêm đã có các siêu thị hiện đại MeTro HC (Cổ Nhuế), Tây Đô, Citymax (Mỹ Đình), Garden (Mễ Trì), Ebest (Cầu Diễn). Từ một đơn vị mất cân đối về thu - chi ngân sách đến nay đã bảo đảm chủ động nguồn thu đáp ứng nhu cầu chi và tăng dần đầu tư phát triển. Nếu thu ngân sách năm 2008 là 1.076 tỷ đồng, thì năm 2010 đã tăng lên 3.050 tỷ đồng, vượt 121% chỉ tiêu. Cùng với phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư mạnh; tỷ trọng vốn đầu tư phát triển kinh tế chiếm 38%, vốn đầu tư phát triển văn hóa - xã hội chiếm 62%. Công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng đô thị, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ công trình xây dựng có phép tăng cao; vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng được tập trung xử lý, vệ sinh môi trường được xã hội hóa, bảo đảm thu gom trên 90% lượng rác thải trong ngày. Do nhu cầu xây dựng và đô thị hóa nhanh, Từ Liêm đã chủ động chuyển đổi về chất trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp sinh thái. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh, song giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn đạt mức cao.


Ông Lê Văn Thư, ủy viên BCH Đảng bộ TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, Từ Liêm xác định huy động mọi nguồn lực, xây dựng huyện trở thành đô thị giàu đẹp-văn minh, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cơ sở hạ tầng phát triển, văn hóa xã hội tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác quân sự quốc phòng địa phương được củng cố, tăng cường. Trên cơ sở phương hướng đó, Từ Liêm tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá là đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, đủ trình độ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, cũng như lâu dài; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ GPMB góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Thủ đô giàu đẹp - văn minh.
Theo Khánh Khoa (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland