Hình thành những đoạn vỉa hè, khu phố với chức năng riêng như giải trí, buôn bán, làng nghề nhỏ...

Giữ gìn và phát huy giá trị các di sản, xem không gian công cộng như một tài nguyên để phát triển đô thị… là những vấn đề được GS Ola Soderstrom (ĐH Tổng hợp Neuchâtel, Thụy Sĩ) đề cập tại buổi tọa đàm Văn hóa và các chính sách đô thị, ngày 1-9. GS Ola Soderstrom cũng đã có cuộc trò chuyện ngắn với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.


Biến không gian cộng đồng thành tài nguyên


PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về Hà Nội?


+ GS Ola Soderstrom: Tôi đã mua một cuốn sổ nhỏ để ghi chép những gì mắt thấy, tai nghe trong thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội. Thú thật, tôi lấy làm thú vị về việc sử dụng không gian công cộng, cụ thể là đường phố của các bạn. Ở nước tôi, đường phố chỉ có một chức năng duy nhất là giao thông. Nếu ai đó sử dụng ngược với chức năng này thì phải chịu sự quản lý rất chặt, từng tí một. Nói rộng ra thì ở châu Âu có sự phân biệt rất rõ không gian công cộng với không gian riêng tư, trong khi ở đất nước các bạn, mà cụ thể là Hà Nội thì khác hoàn toàn. Tôi thấy vỉa hè được người dân Hà Nội dùng làm nơi làm việc, chỗ giải trí, buôn bán, thậm chí người ta còn ngủ trên đó. Các bạn đã biết cách tư nhân hóa không gian công cộng một cách thông minh đến mức ai cũng có phần. (Cười)


. Đó là một thực trạng tồn tại từ khá lâu của Hà Nội, đã nhiều lần cơ quan quản lý tìm cách dẹp bỏ nhưng chưa được...


+ Dẹp bỏ ư, tại sao phải dẹp bỏ một dạng tài nguyên độc đáo có giá trị phát triển như vậy trong khi chúng ta có thể chấn chỉnh, duy trì và phát huy? Tôi nghĩ cái nào xô bồ quá thì mới phải dẹp bỏ. Còn lại, chúng ta nên khai thác có văn hóa nguồn tài nguyên trên. Ví dụ, có thể hình thành những đoạn vỉa hè, những khu phố với chức năng riêng như giải trí, buôn bán, làng nghề nhỏ… Ai có nhu cầu gì, họ sẽ tìm đến những địa chỉ tương ứng.


Tôi đã quan sát kỹ khu vực phía tây của Hà Nội. Ở đấy có rất nhiều nhà cao tầng, xung quanh cũng có những không gian công cộng được xây dựng rất hiện đại nhằm phục vụ cộng đồng nhưng dường như tất cả đều rất vắng lặng. Chính những khu vực như thế đã làm mất không khí và cái hồn cốt, tài nguyên vốn có của đô thị Hà Nội.



Theo GS Ola Soderstrom, không gian công cộng ở Hà Nội có những giá trị văn hóa riêng, cần chú trọng giữ gìn. Ảnh: THÀNH NGUYỄN


Giữ gìn di sản để phát triển


. Tại tọa đàm, ông có đề cập đến việc phải vận dụng văn hóa trong quá trình phát triển đô thị. Ông có thể ví dụ cụ thể hơn?


+ Có rất nhiều biểu hiện của văn hóa trong sự phát triển đô thị nhưng tôi cho rằng biểu hiện rõ nhất là di sản. Di sản có thể là một công trình, một khu phố tiêu biểu của đô thị, cũng có thể là một nét đặc trưng phi vật chất nào đó mà chỉ vùng miền đó mới có. Di sản bao giờ cũng gắn chặt với cuộc sống của cư dân đô thị. Thật đáng buồn là trong quá trình phát triển, nhiều vùng miền, nhiều khu vực đã không còn giữ được những di sản đặc trưng. Điều đó chẳng khác nào chúng ta đã đánh mất “phần hồn” của đô thị.


Muốn giữ gìn di sản, chúng ta phải có kế hoạch, biện pháp thật cụ thể chứ không chỉ kêu gọi suông. Trước tiên phải tìm mọi cách để hiểu thật kỹ, thật sâu về di sản. Di sản không tự bảo vệ được mình và cách giữ gìn tốt nhất là nên đưa nó vào ngay cuộc sống hiện đại. Khi đó, di sản có thể sống cùng chúng ta, gắn chặt vào xã hội và sẽ không còn nguy cơ bị mai một.


Ví dụ, ở các nước công nghiệp, người ta đã biết cách biến các di sản đặc trưng như các nhà máy lâu đời, không còn sử dụng nữa thành các bảo tàng, công viên, công trình phúc lợi… Rất ít khi một di sản bị đập bỏ để xây những tòa nhà cao tầng. Đó là một cách hay và các bạn có thể tham khảo.


. Ông cũng nêu ý kiến cần để người dân tham dự vào các dự án phát triển đô thị…


+ Điều này cực kỳ quan trọng. Giả sử trong một dự án phát triển đô thị, nếu người dân cảm thấy điều đó không phục vụ cho mình, không thấy được vai trò của mình trong đó thì họ thường nhìn dự án ở khía cạnh tiêu cực, thậm chí còn đả phá nó. Nhưng khi đã đồng thuận họ sẽ ủng hộ dự án tới cùng. Theo tôi, cần phải huy động được sự tham dự của người dân trong tất cả dự án phát triển đô thị.


Tuy nhiên, người dân lại là một tập thể cộng đồng rất lớn, vì thế chính quyền cần phải xác định rõ các đối tượng được tham gia. Đối tượng cần được chú trọng nhất phải là những người am hiểu về chuyên môn như các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư. Ý kiến những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp cũng rất đáng quan tâm. Nếu được sự ủng hộ của những đối tượng này, dự án sẽ có tính thuyết phục rất cao.


. Xin cảm ơn ông.

Theo Viết Thịnh (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.