Thiếu kế hoạch và quy hoạch
Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Ðông-Nam Á, trong những năm qua, nước ta đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Tính đến tháng
9-2012, mạng lưới đô thị Việt Nam đã và đang được phát triển với 762 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng hơn 31%, dự báo khoảng 45% trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hằng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của Việt Nam. Ðô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, sự phát triển đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Ðô thị hóa nhanh thiếu kiểm soát về chức năng đô thị và hình thái kiến trúc đô thị. Phát triển đô thị "nóng", thiếu quy hoạch, kế hoạch, còn mang nặng tính phong trào, manh mún, vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Nhiều đô thị sau 10 năm nâng cấp lên loại mới vẫn còn "nợ" những tiêu chí về nâng cấp đô thị. Sự phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa chú trọng chất lượng, dẫn đến áp lực gia tăng dân số cơ học đè nặng lên hai đô thị loại đặc biệt là: Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, sự chuyển dịch dân cư vào đô thị trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đáp ứng được, gây ra sự mất cân bằng sinh thái và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật xã hội quá tải, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, một trong những thách thức mới nảy sinh là việc ứng phó có hiệu quả trước các tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải...). Với khoảng hơn 200 đô thị ven biển nằm dọc khoảng 3.260 km đường bờ biển, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã thấy rõ. Ngay cả TP Hồ Chí Minh, hiện tượng triều cường thường xuyên và liên tục lập đỉnh mới đã cho thấy những thách thức gay gắt mà các đô thị Việt Nam phải giải quyết trong quá trình phát triển theo hướng bền vững.
Một thực tế nữa là phát triển đô thị mới, điều chỉnh quy hoạch cũ còn khá tùy tiện và chưa tuân thủ triệt để các quy định. Nhiều chủ đầu tư "lách luật" để giảm chi phí, không dựa trên quy hoạch chung trong đầu tư xây dựng dự án. Các dự án chỉ chú trọng đầu tư trong phạm vi của mình, chưa quan tâm đến các hệ thống kỹ thuật ngoài hàng rào, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong kết nối giữa các dự án phát triển đô thị với nhau, gây lãng phí, thiếu hiệu quả. Nguyên nhân một phần cũng do sự buông lỏng quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng và địa phương. Chính vì vậy, việc tìm ra những mô hình phát triển đô thị tiên tiến như đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị cân bằng... mà ở đó con người là trung tâm của sự phát triển là những mục tiêu quan trọng trong các định hướng chiến lược về phát triển đô thị.
Xóa dần khoảng cách giữa các đô thị
Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Ðỗ Viết Chiến cho rằng: Mặc dù Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều luật định liên quan đến phát triển đô thị, tuy nhiên thực tế triển khai nảy sinh nhiều vướng mắc, chồng chéo. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ một Nghị định mới về việc quản lý đầu tư phát triển đô thị. Nghị định này sẽ có phạm vi điều chỉnh rất rộng, hy vọng sẽ bịt được những lỗ hổng trong công tác đầu tư phát triển đô thị. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào công tác hậu kiểm mà quên mất việc kiểm tra, giám sát công tác đầu tư, phát triển đô thị, dẫn đến đô thị phát triển tự phát, manh mún, kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội kém, gây lãng phí, thất thoát. Nghị định lần này sẽ tập trung tăng cường công tác "tiền kiểm", tăng thêm quyền hạn cho các cơ quan, địa phương trong việc giám sát quá trình phát triển đô thị từ khâu lập kế hoạch, triển khai xây dựng đến khi hoàn thành, chuyển giao. Chẳng hạn như quản lý giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị bảo đảm đúng quy hoạch, tiến độ và các nội dung dự án đã được phê duyệt. Xử lý hoặc đề xuất, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh tại các dự án trong quá trình thực hiện đầu tư. Lập biên bản, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật xảy ra tại các dự án; hoặc đình chỉ, xử lý các vi phạm khi được cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ủy quyền theo quy định của pháp luật...
Ðảng và Nhà nước ta luôn chủ trương phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Mục tiêu là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Trước mắt, sẽ tập trung các nguồn lực (ODA, ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa...) ưu tiên phát triển các đô thị có tiềm năng, từng bước tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng, đồng thời giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các đô thị lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bước tiếp theo là tăng cường khả năng kết nối giữa các đô thị, bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội, kiến trúc cảnh quan, gắn với an ninh quốc phòng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, tạo môi trường sống tốt cho cư dân đô thị, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc..., tiến tới xóa dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1393/QÐ-TTg ngày 25-9-2012 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020. Việc đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường, xây dựng công trình xanh, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển đô thị sinh thái... là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược này. Về dài hạn, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao phụ trách lĩnh vực phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển đô thị, chú trọng nâng cao vai trò của chính quyền trong quản lý phát triển đô thị cũng như cơ chế huy động đa nguồn lực cho phát triển đô thị. Ðây là những vấn đề cần có sự tham gia của mọi người từ các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền trung ương, địa phương, đến các tầng lớp nhân dân cùng những kinh nghiệm phát triển đô thị của các quốc gia trên thế giới và phải hành động ngay từ hôm nay mới giúp đô thị Việt Nam phát triển bền vững.