Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn 2011-2020 cả nước có hơn 19.800 quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, trị trấn, xã, phường với tổng kinh phí để lập quy hoạch lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Nghịch lý là trong khi số lượng triển khai quá nhiều, chất lượng quy hoạch lại thấp, nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và thiếu sự liên kết... dẫn đến quy hoạch không hiệu quả, kém khả thi.

Nhà nhà làm quy hoạch

Theo Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ (thuộc quy hoạch vùng) được phê duyệt vào năm 2009, năm 2015 cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) có khả năng tiếp nhận tàu 50.000-80.000 tấn. Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020 định hướng đến 2030 (thuộc quy hoạch ngành) được phê duyệt năm 2011, chỉ tiêu này nhảy lên 100.000 tấn.

Hay như Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược đến năm 2015, tầm nhìn 2025 (của Bộ Công Thương) được phê duyệt năm 2009 lại chồng chéo với Quy hoạch phát triển ngành dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (Bộ Y tế) được phê duyệt vào năm 2013.

Nhiều quy hoạch được phê duyệt, nhưng cái sau mâu thuẫn với cái trước như Quy hoạch sân golf đến năm 2020 vùng ĐBSCL (phê duyệt năm 2009) có 4 sân golf với diện tích 461ha tại 3 tỉnh, thành Cần Thơ, Tiền Giang, Long An. Trong khi đó, quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được phê duyệt năm 2010 dành diện tích 244ha để xây dựng sân golf (!?).

Những số liệu trong quy hoạch được dự báo cũng rối rắm, chồng chéo, mâu thuẫn đến khó tin như quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 (phê duyệt năm 2009), công suất cảng khu vực TPHCM chỉ 89 triệu tấn/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, theo quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng TPHCM (phê duyệt năm 2010), công suất cảng ở khu vực này nhảy vọt lên đến 200 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh đó, số lượng quy hoạch lập quá nhiều và ngày càng gia tăng, nhưng không đồng bộ. Điển hình là quy hoạch tổng thể vùng Đông Nam bộ (quy hoạch cấp cao) được phê duyệt theo Quyết định 943/QĐ-TTg ngày 20-7-2013, trong khi quy hoạch tổng thể tỉnh Tây Ninh (quy hoạch cấp thấp) lại được phê duyệt trước đó tại Quyết định 2044/QĐ-TTg ngày 9-11-2010.

Theo quy định, quy hoạch tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành cấp quốc gia, nhưng thực tế quy hoạch vùng đang trong quá trình xây dựng và chưa được phê duyệt, quy hoạch tỉnh đã được thực hiện. Hiện tượng này có ở cả 6 vùng và là quy trình ngược. Thậm chí có những ngành không cần lập quy hoạch nhưng vẫn làm.

Thí dụ, Nghị định 94/2012/NĐ- CP quy định việc cấp đăng ký sản xuất - kinh doanh bia - rượu - nước giải khát phải căn cứ vào quy hoạch. Đây là điều không thực tế, vì tại địa phương chỉ có 1-2 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, thay vì lập quy hoạch chỉ cần quy định điều kiện cấp đăng ký là đủ. Việc lập quy hoạch ngành này đã gây lãng phí, tốn kém và cản trở hoạt động kinh doanh, kéo dài thời gian cấp phép.

Cần có luật để quy về một mối

Nghịch lý trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch có thể thấy rõ qua việc quy hoạch nhiều nhưng đất đai không được sử dụng ngay, để hoang hóa quá nhiều. Theo quy hoạch, đến cuối năm 2010 chúng ta triển khai được 267 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp với tổng diện tích 100.000ha, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 45%, nhiều khu đất vẫn còn để trống.

Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có hơn 500 khu công nghiệp và 1.872 cụm công nghiệp, sử dụng tổng diện tích đất lên tới khoảng 276.000ha. Cũng theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 30 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, 15 KKT ven biển với tổng diện tích hơn 2 triệu ha; đất đai cho phát triển đô thị cũng tăng lên tới 1,75 triệu ha. Hiện chỉ vài KKT có sức sống, còn lại vẫn chờ đợi đầu tư.

Trung bình, mỗi tháng có thêm 1 đô thị mới, nhưng nhiều khu đô thị ma không người ở, nhiều khu thiếu sức sống, bất động sản tồn đọng nhiều. Trong khi đó, những người nông dân mất đất vẫn chưa tìm được sinh kế mới, nghèo đói vẫn cận kề, phải đi thuê lại đất của mình đã bị thu hồi. Tư duy ý chí quy hoạch đô thị đã tạo nên hơn 1.700 dự án đô thị đắp chiếu, nợ đọng bất động sản làm chao đảo nền kinh tế và đáng buồn nhất là thị trường nhà ở giá thấp vẫn chưa hình thành để đáp ứng cho 60% dân lao động thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng.

Hình minh họa

Sự hỗn loạn của bức tranh quy hoạch hiện nay đang đòi hỏi cần sớm ban hành Luật Quy hoạch để quy công tác quy hoạch về một mối, nhằm tập trung được các nguồn lực cho phát triển, quản lý thống nhất các loại hình quy hoạch theo thông lệ quốc tế.

Theo đó, Luật Quy hoạch về bản chất cần được coi là bộ khung phát triển quốc gia, đủ quyền lực pháp lý để điều tiết quy hoạch trên toàn lãnh thổ, bắt lợi ích cục bộ phải nhường lợi ích quốc gia, hiệu chỉnh lý luận và chính sách vốn xơ cứng phải phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn.

Tại hội thảo về dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ KH-ĐT tổ chức ở TP Đà Nẵng cuối tháng 8 vừa qua, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT), cho biết dự thảo Luật Quy hoạch lần này sẽ tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch cũng như xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch.

Luật Quy hoạch sẽ xác định rõ mối quan hệ giữa 3 loại quy hoạch để thống nhất thành một hệ thống quy hoạch quốc gia, địa phương sao cho không có khoảng trống, không có chồng chéo, bảo đảm được chức năng dẫn đường cho phát triển bền vững.

Nguyễn Hồng (Sài Gòn ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.