Một trong những lý do đưa ra là do các dự án nhà ở thương mại đã nộp tiền sử dụng đất trước đây theo Nghị quyết 02 của Chính phủ được hoàn trả. Nhưng việc hoàn trả này lại là việc các địa phương không thể tự quyết định trong một sớm một chiều. PV Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, theo Nghị quyết 02 của Chính phủ thì tiền sử dụng đất dự án chuyển từ NƠXH sang nhà ở thương mại, nếu như đã nộp tiền sử dụng đất rồi thì sẽ được hoàn trả lại. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương do vấn đề nguồn thu ngân sách rất khó khăn nên họ ngại cho phép sự chuyển đổi này do phải trả lại tiền. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo quy định rõ ràng là các DN đang chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang cho NƠXH hoặc nhà ở dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đ/m2 thì sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi. Tuy nhiên trên thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Đứng dưới góc độ của DN chúng tôi đề xuất là có thể chuyển đổi sang các hình thức khác. Trong xu thế Chính phủ và Bộ Tài chính đang định hướng vấn đề hỗ trợ cho các DN liên quan đối với NƠXH từ thuế TNDN xuống còn lại 10% đến việc thuế VAT còn lại 5% thì có thể đề xuất thêm một phương án hài hòa ở đây là: Cấn trừ đối với thuế TNDN hoặc thuế VAT cũng như các loại thuế khác phát sinh đối với DN. Trên cơ sở đó tạo điều kiện phù hợp với DN và xu thế chung là chủ trương hỗ trợ đối với NƠXH và nhà ở thu nhập thấp.
Cũng có những DN họ đề xuất như vậy nhưng cũng có những DN họ sẽ không chấp nhận nên dẫn đến một tâm lý là chờ đợi chưa muốn chuyển đổi. TP.HCM hiện nay tính ra có khoảng 5% các DN xin phép chuyển đổi mà thôi. Vậy làm thể nào để kích thích các DN sẽ chuyển đổi tham gia vào mô hình NƠXH này?
- Trong thời gian qua có rất nhiều vướng mắc và lần lượt các vướng mắc này đều được các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, đề xuất và xử lý. Đầu tiên là xác nhận thu nhập như thế nào, xác nhận hiện trạng nhà ở ra sao cũng như xác nhận thu nhập của người dân tham gia gói NƠXH... Bộ Xây dựng đã làm việc với các bộ, ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước... đề xuất các địa phương tham gia gỡ khó cho từng trường hợp cụ thể, từng dự án một do tính đặc thù của các dự án rất khác nhau. Trên cơ sở đó đề xuất đối trừ cho các DN cũng như tạo ra các cơ chế khác thay cho việc hoàn trả khoản tiền sử dụng đất này và các chính sách khác hỗ trợ DN. Đó chính là chính sách tạo cơ hội để DN tham gia thực hiện chủ trương của Nghị quyết 02 cũng như Thông tư 11 và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng.
Ông nghĩ các DN có kỳ vọng họ sẽ được trả lại tiền sử dụng đất hay không?
- Theo chúng tôi được biết, không phải là các DN kỳ vọng được trả ngay bằng tiền mặt. Mà vấn đề là được hưởng các chính sách, được đối trừ hoặc phương thức khác. Còn khi đã nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách cho các TP hoặc các địa phương thì ngân sách đó đã có kế hoạch, và nó đã được sử dụng theo từng năm, từng giai đoạn mà hoàn trả khoản tiền này là vô cùng khó khăn. Nhưng việc đối trừ và việc hưởng chính sách hỗ trợ khác thì hoàn toàn có thể và nó tạo ra một xu hướng rất quan trọng là thúc đẩy phát triển NƠXH. Công cụ này tạo ra cơ hội thành công nhiều hơn và các DN cũng có thể tham gia nhiều hơn. Trên cơ sở đó, nhiều người như công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... sẽ được hưởng lợi vì họ là người tiêu dùng cuối cùng. Và đó là chủ trương đúng.
Chúng ta vẫn cứ nghĩ thế thôi chứ hiện nay vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn và DN vẫn đang cần một cái cụ thể nhất để biết trong hoạt động kinh doanh của họ?
- Mong muốn của DN là có văn bản chủ trương, có xác nhận và ghi nhận về việc này. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều rào cản giữa các bộ, ngành khác nhau. Vì thế nên đề xuất của Bộ Xây dựng thành lập các tổ công tác để tháo gỡ từng vấn đề một. Kỳ vọng rằng với sự hỗ trợ của các tổ liên ngành đó thì các địa phương mới cơ sở mạnh dạn có quyết định phù hợp với từng vấn đề.
Các địa phương đang lo ngại điều gì khiến họ chưa xác nhận cho DN?
- Khi chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan về các chính sách tiền sử dụng đất đã nộp tiền vào ngân sách được hoàn trả thì phải có thông tư hướng dẫn cụ thể của các ngành dọc, của các bên liên quan, các địa phương mới có thể ra một quyết định phù hợp với các quy định chung nói chung. Vì thế, điều lo ngại này là có thể hiểu được.
Trân trọng cảm ơn ông!