Nâng cao hiệu quả khai thác
Trao đổi về thực trạng chính sách, ông Trần Đức Thắng- Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, chính sách thu từ đất đai, tài sản Nhà nước bao gồm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến sử dụng đất như thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ; góp vốn bằng giá trị chuyển nhượng đất; xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN khi cổ phần hóa; bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Xét trên kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN), nếu như tổng thu về đất năm 2002 chỉ là 5.486 tỷ đồng (chiếm 4,43% thu NSNN) thì đến năm 2010 là 67.767 tỷ đồng (chiếm 11,21%). Năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, tổng thu (chưa bao gồm lệ phí trước bạ về nhà, đất) vẫn đạt 60.633 tỷ đồng (chiếm 8,07%) và năm 2012 đạt 53.952 tỷ đồng (chiếm 7,26%).
Nhìn chung, chính sách tài chính đất đai đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hẹp sự phân biệt giữa tổ chức trong nước và ngoài nước. Số thu NSNN từ đất tăng trưởng cao qua các năm, trong đó thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao nhất và có mức tăng cao nhất. Chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá, hệ thống chính sách thuế đối với đất đai đã góp phần khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ, sử dụng đất đai lãng phí.
Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính về đất khác đã thể hiện được sự ưu đãi và khuyến khích đầu tư của nhà nước đối với các đối tượng sử dụng đất cần ưu đãi và chủ trương xã hội hoá. Có thể nói, hệ thống chính sách tài chính đất đai đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực đất đai, tài sản Nhà nước và tạo nguồn thu lâu dài, bền vững cho NSNN, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Nhiều biện pháp đồng bộ
Mặc dù đạt được những kết quả khá khả quan, song, việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai vẫn còn một số tồn tại như hệ thống chính sách tài chính đất đai vẫn còn phức tạp, thiếu tính ổn định; nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chậm được xử lý; nguồn lực lớn nhưng chưa được khai thác đầy đủ và chủ động; hệ thống công cụ tài chính đã hình thành nhưng chưa đủ mạnh...
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020”.
Ngoài ra, đề án cũng xây dựng chính sách thí điểm cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông như đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
Chia sẻ về mục tiêu của đề án, ông Trần Đức Thắng nêu, trước hết là phải đổi mới, hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, Nhà nước chủ động điều tiết giá đất trong thị trường bằng quan hệ cung - cầu; đảm bảo xác định giá đất phù hợp với thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Với mục tiêu này, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất; hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo chỉ định; áp dụng hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê đối với đất sản xuất kinh doanh, không phân biệt tổ chức trong nước, ngoài nước và các thành phần kinh tế; thu hẹp đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất, chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ về tài chính hoạt động như DN sang hình thức thuê đất.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng cần làm là hoàn thiện chính sách thu tiền thuê đất phần dưới mặt đất để xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích sản xuất kinh doanh; khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phải quy hoạch và tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này; có chính sách điều tiết giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất đem lại.
Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ rà soát toàn bộ chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hạn chế các đối tượng được miễn, giảm; chuyển các hình thức ưu đãi từ miễn giảm thu sang ưu đãi trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng chi để tăng kiểm soát, nâng cao hiệu quả chính sách, đồng thời rà soát lại hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; sẽ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất và đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, ông Thắng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống định giá đất và công cụ hỗ trợ tài chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; rà soát thực hiện nghiêm việc thu hồi đất bị sử dụng lãng phí, sai mục đích và có phương án cụ thể để khai thác, sử dụng có hiệu quả đối với đất sau thu hồi...
Sau khi hoàn thiện các chính sách về đất đai, tổng thu NSNN về đất đai sẽ đạt khoảng 700.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân thu khoảng 70.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thì số tiền thu được khoảng 100.000 tỷ đồng. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch và số tiền thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; bán, chuyển nhượng cơ sở cũ dự báo sẽ đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. Mặt khác, trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng, từ nay đến năm 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường biển, hàng không) là 2.789.507 tỷ đồng; trong đó, nếu thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư khoảng 15%, thì NSNN sẽ giảm bớt chi cho phát triển cơ sở hạ tầng bình quân khoảng 42.000 tỷ/năm. |