10/12/2012 1:59 PM
Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khoá XIV vừa diễn ra với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, quy hoạch, quản lý đất đai luôn được cử tri quan tâm. Đặc biệt về việc các dự án đã được giao đất nhiều năm nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí…

23.742,5 m2 của Chi nhánh TCty Công nghiệp ôtô VN - Nhà máy cơ khí công trình tại 199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng là một trong những dự án bị Hà Nội đề nghị thu hồi

Trả lời cho câu hỏi có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng nhiều dự án đã giao đất nhiều năm song chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, từ năm 2009 đến năm 2012, các sở ngành, UBND quận huyện thị xã đã tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý đối với 882 tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai. Qua đó phát hiện 779 tổ chức sử dụng đất có vi phạm ở các mức độ khác nhau. Theo đó, UBND TP đã giúp 511 tổ chức khắc phục lỗi vi phạm, tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng cho 132 dự án, xử phạt vi phạm hành chính 100 tổ chức, ra quyết định thu hồi đất của 36 tổ chức vi phạm pháp luật đất đai. Trong đó có 21 dự án được thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án.

6 giải pháp đã đủ?

Về hơn 828 ha đất đã có quyết định thu hồi, ông Khanh cho biết, phần diện tích này nằm trong 38 quyết định thu hồi đất của Thành phố từ năm 2009-2012, trong đó có 17 quyết định đã thực hiện xong. Một số trường hợp hoàn thành thu hồi đã được dùng để xây dựng trường học, trụ sở làm việc, còn lại giao cho các quỹ quản lý đất, các địa phương… lên phương án sử dụng đất hiệu quả.

Thời gian tới, UBND TP chủ trương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt 6 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, đánh giá, lựa chọn đúng những chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án để giao đất, cho thuê đất.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là về GPMB, thủ tục hành chính;

Thứ ba, quan tâm đặc biệt đến vấn đề thực hiện quy hoạch;

Thứ 4, tập trung rà soát tiến độ thực hiện dự án của các đơn vị được gia hạn, nếu sau thời gian gia hạn mà thực hiện tốt thì sẽ được tạo điều kiện để đưa đất vào sử dụng, nhưng nếu không khắc phục được thì kiên quyết thu hồi đất.

Thứ 5, đối với DN Nhà nước, Thành phố tập trung thúc đẩy nhanh việc sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước; thanh tra, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của luật, đặc biệt là những vấn đề về tài chính;

Thứ 6, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật liên quan đến sử dụng đất, hỗ trợ DN…

Quy hoạch lâu cũng phải chờ

Theo ông Khanh, nguyên nhân tình trạng dự án để hoang hóa cơ bản là do trách nhiệm của chủ đầu tư, có một số đơn vị không gương mẫu, vi phạm pháp luật; chưa có đầy đủ các quy hoạch; một số đơn vị, địa phương còn khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về đất đai…

“Không phải UBND TP không dám làm và không quyết liệt làm. Chúng tôi luôn chỉ đạo rằng, tất cả các dự án vi phạm pháp luật đều phải xử lý. Trong số hơn 800 ha đất được thu hồi, có những dự án cũng rất phức tạp, nhưng đã vi phạm thì vẫn phải xử lý. Chúng tôi khẳng định, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện, còn có lúc, có nơi, có địa phương, việc quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa tốt. Thành phố đã có kiểm điểm, thanh tra, kiểm tra với những địa phương, cán bộ vi phạm” – ông Khanh khẳng định.

Về lập quy hoạch, do có thời kỳ hợp nhất Hà Nội và Hà Tây và một số địa phương khác nên sau khi hợp nhất, yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng quy hoạch. Đến tháng 7/2011, Hà Nội đã có quy hoạch chung và hiện đang xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, chi tiết… Theo quy định của luật, phải có quy hoạch thì mới xác định được các dự án nào được triển khai tiếp, các dự án nào phải dừng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất… “Để xử lý nhanh hơn các dự án chậm triển khai thì giải pháp quyết liệt hiện nay là tập trung xây dựng quy hoạch. Đã có một số quy hoạch hoàn thành và đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch lâu nhưng là giải pháp không thể khác được” - ông Khanh cho biết.

Ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không đủ lực

Sở TN-MT đang tham mưu cho Chủ tịch UBND TP một số chính sách để sửa đổi những điều chưa hợp lý, bất cập. Chẳng hạn việc lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tổ chức thực hiện dự án, năng lực tài chính, để không tái diễn tình trạng dự án treo. Hay vấn đề hậu kiểm xem dự án đó triển khai đúng tiến độ, đúng mục đích hay không. Hiện các sở, ngành đang phối hợp các quận, huyện điều tra phân loại từng dự án trên địa bàn, những dự án chủ đầu tư gặp khó khăn đã được các cơ quan chức năng tháo gỡ. Còn một số trường hợp sau khi kiểm tra có khó khăn, có gỡ khó rồi và có xử lý hành chính mà không triển khai tiếp, chúng tôi dứt khoát trình TP thu hồi để có thể đấu giá hoặc để làm các công trình công cộng của TP hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ:

Chuyển nhượng dự án cho DN có năng lực

Khi DN bỏ hoang dự án hết năm này đến năm khác nếu không thu xếp được tài chính thì chúng ta nên lựa chọn theo mua bán và xác nhập DN. Tức là có thể chuyển nhượng dự án cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính hơn. Hoặc nếu trong trường hợp nhà nước cần đất đó để làm gì mà điều kiện có ngân sách thì nhà nước có thể đứng ra làm việc đó mua lại theo nghĩa vụ tài chính mà DN đã thực hiện. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể chủ động tìm các DN để có thể nhận dự án… Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu phải hết sức cụ thể đối với từng dự án để chúng ta có thể đưa ra những giải pháp trên nguyên tắc giải quyết vấn đề lãng phí trong sử dụng đất.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng, Ủy viên HĐQT Cty IDT:

Cân nhắc kỹ càng

Ngoài những nguyên nhân như DN năng lực còn yếu, thời gian chuẩn bị đầu tư dài, cũng phải nhìn nhận về ảnh hưởng của sự thiếu vốn trầm trọng trong thời kỳ bất động sản khó khăn như hiện nay và vai trò của cơ quan quản lý khi trước đây đã cho đầu tư tràn lan.

Theo tôi, việc giải quyết cũng rất phức tạp vì có nhiều DN đã bỏ ra rất nhiều tiền và công sức vào những dự án đó, bây giờ giải quyết thế nào, phải có sự xem xét kỹ và có hướng giải quyết thấu đáo.

  • Cán bộ xin thêm nhà (!)

    Cán bộ xin thêm nhà (!)

    Trong khi hàng trăm hộ nghèo ở TP Đà Nẵng không thuê được căn hộ trong các chung cư xã hội thì có hơn 100 căn hộ dành cho cán bộ công chức ở đây bị sang nhượng trái phép hoặc cho thuê lại sai quy định.

  • 2012: còn nguyên; 2013: làm được, nếu...

    2012: còn nguyên; 2013: làm được, nếu...

    Tồn kho bất động sản tác động xấu đến thị trường tiền tệ, tài chính

  • Thu hồi đất làm KCN "mọc cỏ", nông dân mất việc

    Thu hồi đất làm KCN "mọc cỏ", nông dân mất việc

    KCN tại ĐBSCL đầy rẫy nhưng để hoang, người đầu tiên gánh hậu quả vẫn là nông dân bởi họ mất đất, không việc làm. Tôi nhớ lời của một nông dân Kiên Giang chua xót đưa ra nhận xét rằng: “Lấy đất của nông dân để làm CN kiểu này (tức để hoang - PV), làm sao lợi hơn để đất cho dân chúng tôi trồng lúa”.

Theo Anh Ly (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.