03/07/2013 9:48 AM
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết hộ tái định cư được ưu tiên thuê diện tích kinh doanh tại nơi ở mới là một trong những vấn đề được lưu ý khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định phát triển và quản lý nhà ở tái định cư.

Trên thực tế khi bàn giao mặt bằng để di dời đến chỗ ở mới, cuộc sống của nhiều người dân gặp khó khăn do xáo trộn việc làm. Đặc biệt, các hộ dân đang sinh sống ở mặt đường và có cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê bị ảnh hưởng về thu nhập, việc làm...

Bởi vậy, Bộ Xây dựng đề xuất ưu tiên cho các hộ dân tái định cư được tham gia hoạt động dịch vụ kinh doanh ngay chính tại nơi ở mới. Nếu các tòa nhà thương mại có lẫn căn hộ tái định cư thì ưu tiên hộ gia đình, cá nhân tái định cư được khai thác phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thông qua đấu giá nếu mức giá trúng thầu ngang bằng nhau.

Tại các khu nhà ở tái định cư được đầu tư xây dựng trực tiếp thì chủ đầu tư dành tối đa không quá 2/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo công ăn, việc làm cho người dân.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra nguyên tắc khi phát triển loại hình nhà ở này là phải bảo đảm để các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư có điều kiện ở, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ. Cùng đó, việc phân định cụ thể trách nhiệm trong quản lý nhà tái định cư cũng được quan tâm đặc biệt.

Nhiều năm qua, công tác quản lý chất lượng nhà ở tái định cư bị buông lỏng (từ khâu lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công xây lắp) khiến việc triển khai các dự án nhà ở tái định cư luôn bị động, chậm tiến độ, chất lượng kém, thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...

Việc tuân thủ chưa nghiêm quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng nhà ở tái định cư đã gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân, tạo dư luận xấu trong xã hội về loại hình nhà ở này.

Hiện tượng buông lỏng quản lý được xác định là một trong nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nhà tái định cư, do đó phải phân định cụ thể và rõ ràng cho từng đối tượng.

Theo đó, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý vận hành nhà chung cư đó (thông qua bộ phận trực thuộc của mình hoặc ký hợp đồng thuê doanh nghiệp có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện).

Trường hợp mua nhà ở thương mại để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thì doanh nghiệp đang quản lý vận hành nhà ở đó thực hiện quản lý vận hành nhà ở tái định cư.

Mặc dù pháp luật về xây dựng, nhà ở đã quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó có các loại hình nhà ở, nhưng thực tế thì chất lượng nhà ở tái định cư luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Bởi vậy, việc quy định trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức và cá nhân liên quan trong việc tổ chức quản lý chất lượng công trình nhà ở tái định cư là rất cần thiết.

Những điểm đổi mới trong chính sách quản lý và phát triển nhà ở tái định cư được kỳ vọng sẽ xóa đi “tiếng xấu đồn xa” về loại hình nhà ở này; giúp thúc đẩy nhanh việc di dân thực hiện giải phóng mặt bằng khi xây dựng các công trình./.

Thu Hằng (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.