Việc người dân tự ý cơi nới biến những khu tập thể thành hình bậc thang không chỉ làm méo mó, biến dạng những khu tập thể mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm rình rập. Những chỗ diện tích nhô ra phía ngoài đó hoàn toàn có thể gây ra tình trạng nứt nẻ tường vì trọng lực không đều. Nó có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Những khu tập thể ở Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hầu hết được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Qua thời gian, những khu nhà ở này hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng. Thêm nữa, việc người dân tự ý cơi nới, xây thêm ra phía ngoài nên đã hình thành những khu tập thể “hình tháp ngược” rất nguy hiểm.
Những khu tập thể hình tháp ngược
Khu tập thể Xây dựng công nghiệp nằm ở ngõ 170-172 trên phố Hồng Mai, được xây dựng từ năm 1962. Ở đây, có gần 100 hộ gia đình sinh sống trong khu tập thể tồi tàn. Hầu hết các tường, vôi vữa đều đã trong bóc. Diện tích mỗi phòng ở đây rất nhỏ, có phòng chiều ngang chưa đến 1m, 2 người đi xe máy tránh nhau cũng khó.
Ngôi nhà hình tháp ngược tiêu biểu
Vì diện tích ở chật hẹp nên ở mỗi phòng, người dân đều tự ý dùng gỗ, hoặc sắt thép, cơi nới thêm ra phía ngoài từ 1 - 2 m. Phần diện tích cơi nới này nhiều khi còn rộng không kém phần diện tích trong phòng ở. Vì vậy nhà nhà, người đều đua nhau cơi nới nhà ra phía ngoài. Người dân ở đây vẫn gọi vui những phần cơi nới thêm đó là những “chiếc lồng chim” ở khu tập thể này.
Nhà ở tầng dưới cơi thêm 1m, nhà tầng trên không chịu thua kém, cơi thêm 2m. Cứ thế, những tầng phía trên bao giờ diện tích cơi nới cũng rộng hơn tầng phía dưới. Cả khu tập thể từ đó trở thành những ngôi nhà hình tháp ngược.
Vì thế, ở ngõ 159 phố Hồng Mai, 2 ngôi nhà ở 2 bên ngõ, phía dưới đủ một lối đi khá rộng, nhưng lên đến tầng chót thì 2 ngôi nhà này gần như… chạm nhau; và đứng từ nhà bên này, có thể bước sang nhà bên kia được. Đây là điển hình cho những ngôi nhà hình tháp ngược ở những chung cư, khu tập thể ở Hà Nội hiện nay.
Khi được hỏi thì một người dân ở đây vô tư tặc lưỡi: “Thời buổi tấc đất tấc vàng. Không cơi nới thêm thì lấy đâu ra đất mà ở. Nguy hiểm đâu chưa thấy, nhưng bây giờ chỗ ở rộng rãi thêm được tí nào là hay tí đó rồi”.
Nhà tập thể hay khu nhà ổ chuột?
Vì đã được xây dựng từ lâu, lại không được tu sửa thường xuyên, nên những khu nhà tập thể này bây giờ gần như những khu nhà ổ chuột ở giữa thủ đô. Hầu hết các khu nhà này đều không có chỗ gửi xe. Thế nên nhiều hộ gia đình ở đây đã tranh thủ mọi ngõ ngách, tầng hầm của gia đình mình để làm chỗ cho thuê để xe cho khu tập thể cả ngày và đêm. Không ít hộ gia đình trong khu tập thể chỉ sống bằng nghề trông giữ xe này. Những ngõ ngoài của khu nhà thì được tận dụng triệt để làm nơi bán đồ ăn, mở quán nước… và nhiều dịch vụ “hái” ra tiền khác.
Ngay trước cửa mỗi nhà là mạng lưới dây điện, dây điện thoại chẳng chịt như mạng nhện. Điều đáng nói là những “chiếc mạng nhện” này nằm gần ngay sát khu nhà ở và cao quá đầu người một chút. Chỉ cần chút sơ sẩy nhỏ là có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc vì mạng lưới “rác trời” này.
Khu nhà ở xập xệ như khu ổ chuột
Vì thiếu diện tích đất nên khu tập thể đều không có nơi vui chơi, giải trí, nơi tập thể dục thể thao – điều gần như không thể thiếu ở các khu nhà chung cư, khu tập thể.
Có những chỗ, vì tường lâu ngày đã sập đổ, cửa hỏng, người ta còn phải dùng những chiếc chiếu để làm tường che cho phòng ở. Nhìn những khu nhà này không khác gì những khu nhà ổ chuột.
Ông Tú, người đã sống ở khu tập thể Xây dựng công nghiệp từ năm 1962 đến nay cho biết, nhà ông đã 2 lần phải tu sửa lại. Đó là vì vôi vữa trên tường lâu ngày đã vỡ vụn, rơi xuống nhà rất bẩn.
Không chỉ ở khu tập thể Xây dựng mà hầu hết những khu tập thể khác gần đó như những khu nhà trong các ngõ 159, 133, 164, 170, 172… phố Hồng Mai đều trong tình trạng tương tự.
Những khu nhà tập thể hình tháp ngược xuống cấp, trách nhiệm không chỉ thuộc về những hộ dân sinh sống ở khu vực này, mà còn của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương./.