Nếu so với tỷ lệ chênh lệch giữa giá gói thầu và giá trúng thầu lên tới 20 - 30% diễn ra rất phổ biến vào những năm đầu của thập kỷ trước, thì con số tiết kiệm qua đấu thầu bình quân trong 3 năm qua ở mức 4,7% đang đặt ra nhiều câu hỏi.
Đầu tiên là tỷ lệ chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá gói thầu có xu hướng thu hẹp lại là tín hiệu thuộc về bản chất, hay chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời trong công tác tuyển chọn nhà thầu?
Hai là, khi giá trúng thầu chỉ chênh rất ít so với giá gói thầu, liệu có thể kết luận được rằng, tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn nhà thầu trong ngành giao thông - vận tải, lĩnh vực đang sử dụng tới 60% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước đang giảm sút? Có chăng, vấn nạn “thông thầu”, mối lo ngại lớn nhất đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động chống gian lận trong đấu thầu đã xuất hiện, hay đó chỉ đơn giản là một yếu tố ngẫu nhiên, khi cả nhà thầu và chủ đầu tư có cùng một phương pháp lập giá dự thầu và giá gói thầu, cũng như có cùng nhận định về những rủi ro về biến động giá, nguy cơ kéo dài tiến độ do vướng mặt bằng?
Ba là, khi giá trúng thầu tiệm cận rất gần với giá gói thầu, liệu có thể kết luận được rằng, bên mua công trình (chủ đầu tư) và bên bán (nhà thầu) đã tìm được tiếng nói chung với việc đưa ra được một mức giá thầu hợp lý? Cứ giả sử là giá trúng thầu hiện đã hợp lý, vậy trong bối cảnh giá vật liệu tăng đột biến như hiện nay, các đơn vị thi công liệu có “sống được”, hay vẫn phải viện đến sự điều chỉnh giá của chủ đầu tư?
Bốn là, khi giá dự thầu không còn là một kênh chọn lọc nhà thầu hữu hiệu, làm thế nào để công tác kiểm soát quản lý sau đấu thầu được tốt hơn, nhất là khi trên hiện trường, vẫn còn tình trạng một số nhà thầu sau khi được tuyên bố trúng thầu sớm bộc lộ yếu kém về năng lực tài chính?
Tuyển chọn nhà thầu cho các dự án đầu tư công luôn là vấn đề có tính nhạy cảm rất cao. Đã đến lúc Bộ Giao thông – Vận tải, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu sớm có những nghiên cứu đánh giá đầy đủ để không chỉ trả lời một cách sòng phẳng cho công luận, mà còn có những hướng xử lý cho một diễn biến bất thường như đã nêu ở trên.
Việc làm này cũng là một trong những cách đóng góp hiệu quả đối với lời hiệu triệu nâng cao chất lượng đầu tư công, giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Đảng và Chính phủ.