21/05/2015 9:11 PM
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Quảng Nam đầu tư DA tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển tỉnh Quảng Nam với kinh phí 3.700 tỷ đồng. Đi kèm theo đó là hàng loạt công trình và hàng chục khu tái định cư (TĐC) ra đời. Qua 8 năm triển khai, chẳng biết đại DA này đã đi tới đâu nhưng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân lâm cảnh lao đao, bấp bênh thì đã rõ.

Những khu đất vàng bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

Nhà nông không đất

Là một trong những xã đầu tiên được tiến hành triển khai DA trên nhưng những hộ dân thôn Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang sống trong cảnh dở khóc dở cười. Từ cầu Trường Giang đi chừng 1km là đến khu TĐC Lệ Sơn với những con đường bị lấp đầy cát trắng. Khu vực này ngoài gần 20 căn nhà được xây dựng thì còn lại chỉ là cát trắng và mồ mả. Thế nhưng lạ kỳ là đường sá lại được xây dựng ngay ngắn, thẳng tắp, hệ thống điện cũng rất chỉn chu. Nhưng cũng chỉ cách khu TĐC này chừng 500m, P.V lại chứng kiến những ngôi nhà lụp xụp, một số bị bỏ hoang. Khung cảnh đối lập ấy khiến người ta tự hỏi, chuyện gì đang xảy ra ở đây và tại sao lại có sự khác biệt đó?

Được biết, khu TĐC này được quy hoạch cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng trong quá trình thi công cầu Cửa Đại. Đa số các hộ ở đây đều làm nông nên khi được bố trí chỗ ở xa ruộng đồng thì nhiều người không đồng ý vào khu TĐC. Một số khác chấp nhận lấy tiền xây nơi ở mới thì lại phải đi làm xa. Anh Nguyễn Lý (46 tuổi) than thở: “Nhìn nhà cửa cao to ri chắc tưởng đâu làm cái chi giàu lắm, thực ra làm nông đó thôi, mà còn cực hơn bao người khác. Sau khi nhận tiền đền bù, gia đình tôi đã dọn ra đây sinh sống nhưng đồng thời mỗi ngày phải đi làm xa hơn trước. Ruộng một đằng, người một nẻo đã mấy năm ni rồi”.

Không khá hơn tình trạng của anh Lý gia đình anh Phạm Văn Cang cũng “lên bờ xuống ruộng” từ khi khu TĐC ra đời. “Gia đình tôi 7 anh em đều làm ruộng. Trước đi họp có nghe nói là nơi này sẽ triển khai DA rau sạch chi đó giống làng rau Trà Quế (Hội An). Nghe vậy người dân ai cũng mừng nên tự nguyện giao đất, có những hộ giao cả mẫu đất. Họ thu hồi đất rồi cải tạo cấp lại cho chúng tôi. Nhưng hỡi ôi đang yên đang lành còn trồng trọt được, đùng một cái đất đai bị cải tạo kiểu chi mà không có chỗ thoát nước, không có đàng mô tưới tiêu. Từ đó trở đi dân làng ni khỏi trồng trọt chi nữa”. Dẫn tôi ra khu vực Hào Dân là nơi được dành triển khai DA rau sạch nhưng lại chỉ toàn là cát trắng, anh Cang lắc đầu: “Không trồng cây được vì đất bị chai không còn màu mỡ nên người dân mỗi người nộp vô 150 nghìn đồng để làm hồ chứa nước mà giờ cũng thành chỗ cho bò uống nước rồi. Làm nông dân mà không có ruộng đồng, không trồng được lấy cây bắp, hỏi có mắc cười không?”.

Trong tình trạng như khu TĐC Lệ Sơn, khu TĐC Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên) cũng lao đao không kém vì đất đai mùa mưa ngập úng, mùa nắng thiếu nước sinh hoạt. Nguồn sống của gia đình bà Phạm Thị Hai trông vào cả 2 sào đất mỗi năm làm một vụ mè và vụ đậu, nhưng giờ cũng phải bỏ không. Toàn bộ khu vực Bầu Ngang là nơi trồng trọt chính của người dân Tây Sơn Đông giờ tiêu điều, xơ xác.

Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa - Nguyễn Tấn Năm cho biết: “Việc quy hoạch tràn lan rồi các DA không hoàn thành đúng tiến độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Nhất là việc không trồng trọt được gây lãng phí đất đai. Chúng tôi cũng mong sớm có câu trả lời xác đáng từ phía chủ đầu tư”.

Anh Cang với khu vực được hứa hẹn sẽ được đầu tư làm rau sạch nhưng bể nước bỏ hoang, cây cối không phát triển được.

Khi dự án “đột tử

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện DA Quy hoạch và sắp xếp tổng thể dân cư ven biển được thực hiện từ 2008-2020 và chia làm 3 giai đoạn quy hoạch 18.000 hộ dân của 15 xã. Thế nhưng đã 2/3 chặng đường trôi qua mà nhiều DA bất ngờ thông báo “treo” khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Theo ghi nhận của P.V, đi dọc tuyến đường ven biển của các xã bãi ngang như Điện Dương, Điện Ngọc, Duy Nghĩa, Duy Hải... không khó để bắt gặp những công trình, đất đai khu resort đang được xây dựng dang dở. Đó là những khu đất vàng đã từng được hứa hẹn sẽ xây dựng những khu biệt thự, nghỉ dưỡng giúp đời sống người dân nơi đây phát triển hơn. Không tên, không tuổi, chỉ thấy những bờ rào được xây dựng sơ sài đánh dấu khuôn viên DA nằm im lìm. Những con đường bê-tông kiên cố được mở ra, hệ thống điện được bố trí dày đặc nhưng không tận dụng được, gây hoang phí, trong khi người dân cần lắm một nơi để sản xuất, trồng trọt mà không có. Anh Phan Văn Hòa (khu TĐC Nồi Rang, xã Duy Nghĩa) chia sẻ: “Nói thiệt, tui chẳng biết DA mô vô DA mô, chỉ khi đi họp nghe là sẽ phát triển nơi đây thành con đường du lịch, đô thị hóa. Người dân chúng tôi chỉ biết vậy nhưng mấy năm rồi cũng chẳng thấy khác cái chi. Có khác là đất đai hoang hóa hơn xưa. Đất để không nhưng không trồng trọt được”.

Đã hơn 5 năm nay, ông Nguyễn Bán (1942, trú xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên) làm đơn khắp nơi để xin đất sản xuất nhưng không được. Trước đây, ông bỏ công sức khai hoang được hơn 1 mẫu làm nông, nhưng giờ thì ngồi nhìn mảnh đất ấy làm nơi thả bò mà tiếc đứt ruột vì nó đã thuộc vào đất của DA. “Năm nớ Nhà nước thu hồi đất để làm DA rau sạch. Khi đó tui không có ở nhà, con cái tôi tự nguyện giao đất nên lúc về nhà thì tôi đã không còn đất để sản xuất nữa rồi. Cây cối trên đất của tôi cũng không được đền bù. Sống nhờ cái nhà già nhờ cái cây, đã mấy năm ni tôi làm đơn xin lại đất sản xuất mà không được” - ông Bán than thở. Trong đơn của mình gửi lên chính quyền địa phương, ông Bán viết: “Những lô đất đó có được đàng hoàng như ngày hôm nay là cũng một phần lớn công sức của gia đình tôi khai hoang. Đến nay, DA nói về làm rau sạch, sẽ có cả hệ thống lưới, bạt nhưng thực tế không thấy có rau sạch nào cả mà cỏ dại mọc cao hơn xưa. Tôi thấy quá lãng phí trong khi người dân như tôi lại không có đất để sản xuất”.

Không chỉ mất đất sản xuất mà nhiều trường hợp còn có nguy cơ mất nhà, mất việc làm vì DA ra đời nhưng bất ngờ “đột tử”. Hàng chục hộ gia đình tại xã Duy Hải đã nhận được một nửa tiền đền bù để di dời nhà ở nhưng đùng một cái DA tuyên bố tạm dừng triển khai, người dân không nhận được số tiền còn lại để tu sửa nhà cửa. Kể từ khi công bố DA quy hoạch đến nay, hộ dân không được xây nhà trên đất của mình, không được chia cắt đất cho con cháu, không mua bán, cầm cố ngân hàng...

Không biết kêu ai, người dân lại làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nhưng cũng đành bó tay vì chính quyền địa phương còn chờ nhà đầu tư lên tiếng...

Chủ đề: Bỏ hoang
PV (Công an Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.