Nhiều người mua nhà cho rằng số tiền thiệt hại mà họ phải “gánh” suốt 3 năm qua, kể từ ngày Thông tư 16 có hiệu lực là không hề nhỏ. Đại biểu của Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã có ý kiến yêu cầu phải hoàn trả phần tiền mà người mua nhà phải trả “oan” cho chủ đầu tư.
Việc Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2010/TT-BXD đúng với thẩm quyền và hợp lý nên không có chuyện phải xin lỗi dân vẫn chưa nhận được sự đồng thuận nhất quán của dư luận.
Trao đổi với PV Infonet, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tích Tổng hội Xây dựng Việt Nam khá bức xúc: “Tại Thông tư 16, Bộ Xây dựng hướng dẫn hai cách tính để chủ đầu tư tùy chọn, đây là hướng dẫn nước đôi, can thiệp vô lối vào thị trường.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì Bộ Xây dựng cần phải hủy Thông tư 16 chứ không phải thay thế bằng Thông tư 03/2014/TT-BXD.
Cư dân Keangnam là một trong số cư dân chung cư đã kiện chủ đầu tư ra Tòa án khi tính cả cột, hộp kỹ thuật vào diện tích sàn căn hộ.
“Không nên có Thông tư 03, Bộ Xây dựng chỉ nên xin lỗi người dân vì ra đã ban hành Thông tư hướng dẫn không rõ ràng, gây khó khăn cho việc mua bán và hủy Thông tư 16”, ông Liêm nêu ý kiến.
Ông Liêm cho hay, dù rằng vẫn biết quy luật của thị trường là thuận mua, vừa bán thể hiện qua hợp đồng mua bán, các điều khoản quy định được cả bên bán và bên mua thống nhất ký kết theo hợp đồng. Tuy nhiên, có những trường hợp hợp đồng không ghi rõ ràng cách tính diện tích theo cách nào thì người mua nhà muốn đòi quyền lợi thì có thể kiện chủ đầu tư ra Tòa án.
Cũng theo ông Liêm, ở nước ta, hợp đồng theo mẫu thông thường do bên bán nhà đưa ra để người mua xem xét và ký. Luật dân sự có quy định: Nếu hợp đồng theo mẫu có điều khoản gì không rõ ràng sau này gây ra tranh chấp thì Tòa án sẽ giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên không đưa ra mẫu, tức là bên mua.
“Tốt nhất chủ đầu tư và người mua nhà nên hòa giải với nhau, hơn là kiện tụng vì mất nhiều thời gian và tiền bạc. Nếu hợp đồng không ghi rõ theo cách tính nào thì bây giờ đo lại theo cách tính thống nhất để lấy số diện tích chính xác người mua bị mất. Sau đó, chủ đầu tư đền bù 50% tổng số diện tích người mua bị thiếu, người mua chịu 50% số diện tích bị mất, đây là cách giải quyết tốt nhất”, ông Liêm đề xuất.
Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho hay: “Về nguyên tắc người mua nhà phải đàm phán với chủ đầu tư. Còn người dân muốn kiện để bồi thường nhà nước trong trường hợp này thì cần phải chứng minh được thiệt hại của mình. Song, việc chứng minh thiệt hại này cũng không hề đơn giản, tương đối khó, cần có quá trình chứng minh và tòa án xem xét”.
Ông Hưng cho rằng: Thông tư 16 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hai cách tính diện tích nhưng cách tính diện tích theo tim tường lại sai với Nghị định 71/2010/NĐ-CP và Bộ luật dân sự. Việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03 chỉ đưa ra một cách tính diện tích theo thông thủy nhưng lại không được áp dụng cho những trường hợp đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8/4/2014 là không đúng, không phù hợp với các quy định của luật pháp.
“Những gì đã sai quy định của pháp luật thì phải sửa. Trong luật dân sự cũng quy định các giao dịch dân sự vô hiệu do trái luật nên về nguyên tắc phải xây dựng từ đầu, chứ không có chuyện chỉ sửa cho tương lai còn cái quá khứ không sửa là không đúng. Trong trường hợp cả hai cách tính diện tích đưa ra đều đúng, không vi phạm pháp luật mà nay chỉ thống nhất đưa ra một cách tính thì mới không xem xét các trường hợp đã ký kết từ trước”, luật sư Hưng khẳng định.
Trước những thiệt hại mà người dân đã và đang phải “gánh”, dư luận cho rằng, Bộ Xây dựng nên họp với chủ đầu tư bàn giải pháp, biện pháp bồi hoàn cho dân, chứ không thể “phủi tay” chờ đến khi đồng loạt người dân các chung cư đều đi kiện.