Có tới 4.436 dự án chậm tiến độ và 145 dự án có thất thoát, lãng phí, tình trạng này là nguyên nhân dẫn tới đầu tư công không hiệu quả, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đây là nhận định của Bộ Kế hoạch và đầu tư sau khi hoàn tất công tác đánh giá giám sát tổng thể các dự án đầu tư vào đầu tháng 4.

Theo Bộ này, số dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên vẫn có nhiều vi phạm. Tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến. Báo cáo của các cơ quan bộ ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty 91 gửi đến Bộ cho thấy, trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ.

Đồng thời, các đơn vị đã phát hiện 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng.

Đặc biệt, có tới 145 dự án sử dụng vốn Nhà nước xảy ra thất thoát, lãng phí, chiếm 0,38% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 2,69% tổng số dự án đang thực hiện trong kỳ.

Đối với các dự án nhóm A dùng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, kiểm tra 302 dự án thì phát hiện 93 dự án chậm tiến độ. Số này chiếm 28,10% tổng số dự án đã kiểm tra, cao hơn so với các kỳ báo cáo trước như năm 2010 là 19,35%, năm 2009 là 11,55%, năm 2008 là 16,73%.

Hàng nghìn dự án vốn Nhà nước chậm tiến độ
Chậm tiến độ sẽ gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế (ảnh mang tính minh họa: Phạm Huyền)

Tình trạng vi phạm về quản lý đầu tư cũng xảy ra phổ biến ở các dự án đầu tư bằng nguồn vốn bên ngoài. Theo tổng hợp của bộ này, qua kiểm tra, đánh giá 4.466 dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác, có 30 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường, 68 dự án có vi phạm về sử dụng đất, 67 dự án có vi phạm về quản lý tài nguyên. Trong năm, các cơ quan chức năng đã thu hồi 338 giấy phép đầu tư, chiếm 7,57% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá.

Việc chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí như vậy là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Là cơ quan đầu mối tổng hợp, kết quả đánh giá, giám sát đầu tư trên đều căn cứ vào các báo cáo từ các đơn vị gửi về. Tuy nhiên, việc này cũng chậm tiến độ.

Tính đến ngày 10/3/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ nhận được 110 trên tổng số 124 cơ quan gửi báo cáo về, đạt 88,718%, trong đó vẫn còn thiếu một địa phương, 9 cơ quan Bộ và tương đương, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 2 Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 chưa gửi báo cáo.

Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan này phải kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, đồng thời, phải có giải pháp chấn chỉnh bộ máy nhằm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về giám sát đầu tư.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.