Từ năm 2009 đến nay, hàng loạt dự án đầu tư bởi nguồn vốn ngoài ngân sách tại Hà Nội đã được giao đất, gia hạn thời gian sử dụng đất nhưng vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai và chưa được xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, chính quyền các quận, huyện và cả cơ quan quản lý cũng chưa thấy rõ được trách nhiệm của mình trước tình trạng này. Đó là thực trạng ghi nhận được qua đợt giám sát về quản lý đất đai do Thường trực HĐND TP thực hiện.

Từ những quận trung tâm thành phố như Ba Đình, Đống Đa... đến những huyện xa như Phú Xuyên, Thường Tín..., đều đang tồn tại không ít đất dự án bỏ đất hoang hóa đã hơn chục năm.


Đất “vàng” bỏ hoang

Tại quận Ba Đình, theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, hiện có ít nhất 9 dự án chậm tiến độ triển khai từ 9 đến 13 năm. Tuy nhiên, báo cáo của UBND quận chỉ nêu 5 dự án. Điển hình là dự án có diện tích 9.771m2 đất được thành phố giao từ năm 1998 tại khu vực ao Út Tu, phường Cống Vị cho Công ty CP Tập đoàn Ba Đình xây dựng nhà ở để bán; dự án rộng gần 3.000m2 đất được thành phố giao từ năm 1999 tại khu vực hồ Thương Binh, phường Kim Mã, hay khu đất số 9 - 11 Nguyễn Chí Thanh...
Trong khi rất nhiều hộ dân sống trong phần diện tích đất buộc phải thu hồi đã không được sử dụng đất, phải chuyển đi hoặc liên tục kiến nghị, gửi đơn khiếu nại đòi quyền sử dụng đất, nhưng suốt chục năm qua diện tích đất dự án lại bị "bỏ quên", gây lãng phí. Những chủ đầu tư dự án vẫn khư khư "ôm" đất, không triển khai xây dựng đúng quy hoạch, thậm chí còn sử dụng đất sai mục đích. Chẳng hạn, 2 dự án ở phường Kim Mã và phường Cống Vị, phần đất đã GPMB xong được xây hàng rào bảo vệ, được chủ đầu tư dùng làm bãi trông giữ xe ô tô, còn phần chưa GPMB xong, người dân vẫn ở, lấn chiếm thêm để kinh doanh.

Quận Thanh Xuân cũng là địa bàn có nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai. Đáng nói nhất, khu đất hơn 13,23ha được quy hoạch xây dựng công viên hồ điều hòa Nhân Chính nối giữa Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính với đường Vành đai 3, được xác định là nơi tạo cảnh quan cho khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Hà Nội, đã 9 năm qua vẫn chỉ là bãi đất hoang, lầy lội.
Lãnh đạo phường Nhân Chính cho biết, rất xót xa trước tình trạng bỏ hoang diện tích rất lớn đất tại đây trong khi ngay từ năm 2003 quận Thanh Xuân đã phải ứng ra 27 tỷ đồng để GPMB. Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân thì lý giải, đây là dự án đã được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty CP Tập đoàn Megastar làm chủ đầu tư, tuy nhiên lại thiếu cơ chế tài chính cụ thể dẫn đến công trình dậm chân tại chỗ. Ô đất ký hiệu 3.7 - CC Láng Hạ - Thanh Xuân (đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính) có diện tích 9.984m2, Công ty CP Hacinco được lựa chọn lập dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê từ năm 2004 nhưng hiện mới chỉ triển khai được 1/2 (xây dựng xong khu B, chưa xây dựng khu nhà A).
Đáng chú ý là dù khu nhà B cao 15 tầng đã ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân thuê nhưng qua kiểm tra, công ty hiện vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản khu đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế sử dụng đất)… Có dự án được giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, đang cho thuê lại làm gara ô tô, bãi rửa xe… Trước những vi phạm đó, quận Thanh Xuân đã kiến nghị UBND TP thu hồi quyết định giao đất cho chủ đầu tư.

Vòng vo trách nhiệm

Từ thực tế giám sát cho thấy, trong báo cáo, các quận, huyện đều có đề xuất thu hồi hoặc gia hạn với các dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều dự án đã được giao đất từ cả chục năm trước, nhưng nay mới đề xuất xử lý. Có dự án từ năm 2003, chính quyền đã thu hồi đất của dân, đã đầu tư từ ngân sách hàng chục tỷ đồng vậy mà lại để hoang. Chính từ thực trạng ấy, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt đặt câu hỏi: "Có phải là "của chùa" nên không ai thấy xót?".

Khi nói về thực trạng quản lý đất đai trên địa bàn, lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì thừa nhận, vẫn còn nhiều chủ đầu tư dự án lớn "ôm" đất gần chục năm nhưng chưa triển khai. Điển hình nhất là dự án bệnh viện Việt Mỹ, sau hàng chục năm, khu đất rộng 2ha vẫn chỉ là bãi đất hoang và mãi luẩn quẩn ở chuyện "con gà có trước hay quả trứng có trước". Đại diện chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Hải Châu cho hay, dự án dậm chân tại chỗ do gặp quá nhiều vướng mắc từ cơ quan quản lý nhà nước.
Một khu đất tại Trung Hòa - Nhân Chính bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Theo đại diện UBND huyện Thanh Trì, Công ty chậm đưa đất vào sử dụng vì chưa được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng do công ty chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở TNMT lại bảo, chưa trao sổ đỏ cho chủ đầu tư vì công ty này chưa hoàn thành nghĩa vụ kê khai lệ phí trước bạ tại Cục Thuế. Cục Thuế thì cho rằng, chưa tiến hành thủ tục vì công ty chưa có quyết định thành lập bệnh viện và thẩm quyền này thuộc Bộ Y tế… Trước thực trạng ấy, ngày 23/11/2009, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Sở KH&ĐT về việc xem xét ưu đãi đối với dự án đầu tư xã hội hoá tại Bệnh viện quốc tế Việt Mỹ. Tuy nhiên, đến nay những vướng mắc nêu trên vẫn chưa biết khi nào mới được giải quyết.

Kết quả giám sát tại các huyện như Phú Xuyên, Thường Tín cũng cho thấy, công tác quản lý đất đai có dấu hiệu buông lỏng, để xảy ra tình trạng thuê đất không đúng thẩm quyền, lấn chiếm đất công, đấu thầu đất công không đúng thẩm quyền. Cụ thể, 4 năm trở lại đây toàn huyện Phú Xuyên đã có 235 trường hợp lấn chiếm đất với tổng diện tích vi phạm hơn 65.000m2. Còn tại Thường Tín, đã có 192 trường hợp vi phạm Luật Đất đai bị xử lý.

Nguyên nhân chính được đưa ra khi các dự án chậm tiến độ đều do khó khăn trong công tác GPMB. Một số dự án vừa có chủ trương đầu tư, thành phố mới ra được thông báo thu hồi đất thì dân đã có đơn khiếu kiện, gây cản trở cho việc thực hiện dự án. Nguyên nhân thứ hai là một số dự án thu hồi đất nhưng không có nhà tái định cư cho người dân, giá bồi thường đất không sát với giá thị trường… khiến người dân bức xúc. Các chủ đầu tư khi gặp vướng mắc trong quá trình GPMB cũng không mặn mà, không nhiệt tình giải quyết.
Trước những vi phạm về đất đai, các thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi: Tại sao từ năm 2009 đến nay, UBND TP đã 2 lần chỉ đạo rà soát các dự án chậm triển khai mà trong báo cáo của các quận, huyện gửi lên, nhiều dự án trong diện này lại không có tên. Liệu có phải các quận, huyện không phát hiện ra hay còn lý do nào khác?
Theo Hà Bình (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.