Hơn 30 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM, nằm trong dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, bức xúc vì vừa nhận quyết định cưỡng chế trong khi chưa hiệp thương xong giá đền bù.

Quyết định cưỡng chế do Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, Lê Văn Lộc ký, yêu cầu người dân phải tự di dời, tháo dỡ trang thiết bị trong nhà trong vòng 20 ngày, tính từ ngày 24/8 (thời gian ban hành quyết định). Văn bản này cũng đề cập đến giá bồi thường tính bằng tiền của mỗi căn hộ, đồng thời thông báo với dân nếu không đến nhận, số tiền này sẽ được gửi tự động vào ngân hàng.

Thep phản ánh của người dân, họ vô cùng hoang mang, bức xúc vì văn bản này trái với chỉ đạo của UBND TP HCM vào năm 2008 chấp thuận phương án tái định cư nhà đổi nhà cho các hộ dân.

Trước sự việc này, các hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân đã gửi đơn khiếu nại đến UBND TP HCM, UBND quận Thủ Đức và các đơn vị, sở ngành liên quan để phản đối quyết định cưỡng chế.

Hàng chục hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân đang khiếu nại khắp nơi vì bất ngờ nhận quyết định cưỡng chế nhưng chưa được lo tái định cư, tạm cư và dân chưa thuận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Ảnh: Vũ Lê.

Trong đơn khiếu nại, người dân yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ cơ sở pháp lý của quyết định cưỡng chế trên, bởi lẽ hiện tất cả hộ dân đều chưa nhận tiền đền bù và cùng nguyện vọng được tái định cư nhà đổi nhà, nhưng nơi tạm cư còn chưa được giải quyết xong. Dân đề nghị UBND quận Thủ Đức và các đơn vị có liên quan phải tổ chức buổi gặp mặt, thảo luận một cách nghiêm túc, hợp tình, hợp lý với cư dân khu 97 để giải thích rõ những điều khúc mắc.

Ghi nhận của VnExpress.net, các hộ dân mua nhà đất và về sống tại Khu 97 Kha Vạn Cân từ cuối năm 1999-2000 đến nay. Mọi người đều mua nhà hoặc mua đất trả bằng vàng từ Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1, cũng là chủ đầu tư dự án. Trong hợp đồng mua bán ký với người dân, Công ty dịch vụ và phát triển nhà quận 1 cam kết, khu dân cư này đã được quy hoạch ổn định. Tuy nhiên vào năm 2006-2007, cư dân được thông báo khu vực này nằm trong phạm vi giải tỏa trắng để xây dựng tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Ông Lê Ngọc Bình, chủ hộ 276 Kha Vạn Cân nói với VnExpress.net: "5 năm qua, chúng tôi liên tục được mời họp để nghe thông báo về viêc giải tỏa đền bù và lần nào cũng nhận được thông tin bồi thường thấp hơn giá trị thực đã mua từ Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1".

Ông Bình cho hay, nhiều lần cư dân đề nghị phương án nhà đổi nhà lên các cấp có thẩm quyền. Đề nghị này đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận, xác định vị trí khu đất sẽ thực hiện dự án tái định cư cho những hộ bị giải tỏa. "Vì thế, khi bị tống đạt quyết định cưỡng chế, người dân bàng hoàng. Nhà tái định cư không có, tiền đền bù quá thấp trong khi chúng tôi đã mua nhà đất khu này bằng vàng", ông Bình giãi bày.

Khu đất 7/4A Kha Vạn Cân nằm gần khu 97 Kha Vạn Cân được chỉ định chức năng phục vụ tái định cư trong 2 năm qua chỉ mới san lấp, chưa có hạ tầng nội bộ và các hạ tầng khác. Ảnh: Vũ Lê.

Chủ hộ 292/5 Kha Vạn Cân chia sẻ: "Tôi mua nhà năm 2004 giá 165 cây vàng SJC, nay được thông báo đền bù khoảng 1 tỷ đồng, tôi còn nợ chủ đầu tư 20 cây vàng chờ bàn giao giấy tờ mới tất toán. Nếu nhận tiền đền bù, rồi mua vàng trả cho doanh nghiệp, số tiền còn lại không đủ mua nhà".

Trao đổi với VnExpress.net về vụ việc này, Chủ tịch UBND Quận Thủ Đức, Trương Văn Thống cho biết, UBND TP HCM đã giao công ty Quản lý nhà quận 1 làm khu tái định cư cho các hộ dân khu 97 bị giải tỏa.

Theo ông Thống, chênh lệch giá bồi thường do trước đây người dân mua nhà bằng vàng sẽ do Công ty Dịch vụ và Phát triển Nhà quận 1 lo. Việc tạm cư, tái định cư như thế nào thì đó là việc của Công ty quản lý nhà quận 1.

Quan điểm của ông Thống, những khiếu nại của người dân về nhà tái định cư là câu chuyện giữa các hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân với Công ty quản lý nhà quận 1. Người dân đã mua nhà hay đất bằng vàng, nay yêu cầu bồi thường bằng vàng, nhưng đơn giá bồi thường của nhà nước chỉ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng bằng tiền.

Trong khi đó, Chuyên viên phòng hành chính Công ty dịch vụ phát triển nhà quận 1, Nguyễn Huy Vân (đại diện chủ đầu tư dự án, đơn vị bán nhà cho dân) cho biết, năm 1996 công ty mua đất rồi lập dự án. Sau khi được tất cả cơ quan chức năng của thành phố phê duyệt với đầy đủ các thủ tục pháp lý, công ty mới bán cho người dân. Tính đến nay trong 36 căn hộ tại dự án đã có 23 căn làm được sổ đỏ, 4 căn chưa bán, các căn còn lại đã đóng thuế trước bạ.

Ông Vân cho hay, khi thực hiện dự án, quy hoạch đường lúc ấy chỉ yêu cầu lùi 30 m (lấy tâm là đường ray chia đều ra hai bên, mỗi bên 30m). Thế nhưng sau đó, cơ quan chức năng thay đổi tim đường, chỉ lấy một bên 60 m nên dự án phải di dời. “Đây không phải lỗi của chúng tôi”, ông Vân khẳng định.

Theo ông Vân, để khắc phục thiệt hại, Công ty dịch vụ và phát triển nhà quận 1 đã kiến nghị giao khu đất kế bên thuộc khu tái định cư 7/4A Kha Vạn Cân cho doanh nghiệp. Mục đích là xây dựng dự án nhằm đưa người dân bị giải tỏa sang. Tuy nhiên, sau đó, UBND TP HCM lại giao khu đất này cho Công ty quản lý nhà quận 1 làm chủ đầu tư. Chính vì lẽ này, ông Vân phân bua, hiện Công ty dịch vụ phát triển nhà quận 1 không giúp được gì cho dân.

Văn bản 5250 do Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, ông Nguyễn Thành Tài ký năm 2008, ghi rõ: “Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính và UBND Quận Thủ Đức làm việc cụ thể với Công ty quản lý nhà quận 1 để thống nhất về chủ trương đầu tư, phương thức, tiến độ thực hiện và cơ chế mua lại toàn bộ quỹ nhà ở của khu tái định cư 7/4A Kha Vạn Cân”

Hiện khu đất 7/4A tuy đã san lấp mặt bằng nhưng chưa có đường nội bộ và các cơ sở hạ tầng khác. Người dân khu 97 Kha Vạn Cân cho rằng, sự phối hợp của UBND quận Thủ Đức với các sở ban ngành và đơn vị liên quan thiếu sự chặt chẽ nên tái định cư, tạm cư chưa lo xong, giá đền bù dân chưa thuận nhưng quyết định cưỡng chế đã gửi đến.

Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đối với trường hợp bị tống đạt quyết định cưỡng chế nhưng người dân không đồng ý và có đủ hồ sơ pháp lý chứng tỏ quyết định chưa hợp lý, thì có thể khởi kiện trong vòng 30 ngày.

Còn theo quy định về đền bù giải phóng mặt bằng, nếu tất cả các hộ dân trong khu dân cư không đồng tình với quyết định cưỡng chế thì có thể khiếu nại trong vòng 90 ngày lên các cơ quan chức năng.

Cafeland.vn - Theo Vũ Lê (Vnexpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland