21/07/2011 4:05 PM
Hạn chế tín dụng với bất động sản và chứng khoán là không công bằng với doanh nghiệp, đại biểu Đặng Thành Tâm trả lời báo chí bên hành lang phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13.
Là một trong số 38 doanh nhân trúng cử Quốc hội khóa mới, vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) cho rằng, với thực tế hoạt động của mình, các đại biểu là doanh nhân có thể tham gia hiệu quả vào hoạt động giám sát của Quốc hội, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cảm nhận của một doanh nhân trong vai trò đại biểu Quốc hội về nền kinh tế hiện nay như thế nào, ông có thể chia sẻ?

Nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như lạm phát cao, lãi suất cao, thâm hụt thương mại ngày càng nhiều và đầu tư nước ngoài thì tụt giảm. Làm sao phải giải quyết được vấn đề đó.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ bầu Chính phủ mới, và tôi hy vọng Chính phủ sẽ có chính sách đột phá để ổn định kinh tế trong cả nhiệm kỳ 5 năm chứ không phải 1năm.

Tuy nhiên, không phải chờ đến năm sau mà phải thực hiện ngay từ bây giờ phải các giải pháp để giảm lạm phát, hạ lãi suất và đảm bảo tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, nếu không công ăn việc làm sẽ giảm.

Rất nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi tín hiệu tích cực từ Chính phủ chứ nếu như hiện nay lãi suất cao không thể sống được.

Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay ở nước ta là nhiều hoạt động kinh doanh hiệu quả vẫn thiếu vốn và ngược lại. Về hệ số ICOR, có nơi 9 đồng vào mới được 1 đồng ra, có nơi 3 đồng vào được 1 đồng ra. Vấn đề làm sao phải điều tiết, giảm chỗ không hiệu quả, đưa vốn vào nơi hiệu quả hơn.

Đặc biệt cần tập trung vào xuất khẩu nông, thủy sản, để cân đối ngoại hối. Vì nếu không cân đối được xuất - nhập khẩu thì không thể ổn định vĩ mô.

Vì vậy, nếu thắt chặt tiền tệ kể cả với lĩnh vực nông sản, thủy sản, nơi tác động đến 70% dân số thì rất nguy hiểm. Người nghèo ngày càng nghèo đi. Theo tôi cần có chính sách tốt hơn để khuyến khích với ngành nông, thủy sản.

Ông có thể nói cụ thể hơn việc dòng tiền chảy vào chỗ không hiệu quả?

Phải nói thật là, khi đã gia nhập WTO thì không thể đưa ra chính sách “cấm” cái này cái khác. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách “cấm” cho vay chứng khoán, hay bất động sản, tôi cho là không bình đẳng với các doanh nghiệp. Vấn đề là phải điều chỉnh bằng hàng rào kỹ thuật.

Quan trọng, theo tôi là kiểm soát và giám sát. Ngân hàng phải giám sát cho dòng tiền đúng nơi đúng chốn. Còn với Quốc hội, nếu chủ động giám sát ngay từ đầu thì các dự án sẽ hiệu quả hơn và đương nhiên dòng tiền sẽ vào đúng nơi đúng chốn, còn nếu chỉ đưa ra chính sách là không vào chỗ này chỗ khác thì tiền sẽ đi đường vòng, rồi nó vẫn vào được những chỗ “cấm” đó.

Vậy theo ông các đại biểu nói chung và đại biểu là doanh nhân nói riêng nên tham gia quá trình giám sát như thế nào cho hiệu quả?

Tôi cho rằng nên giám sát ngay từ đầu và chủ động, không đợi, vì giám sát không có nghĩa là bới móc mà tham gia vào từ đầu để đóng góp thêm cho đối tượng được giám sát.

Ví dụ doanh nghiệp hoạt động cơ sở hạ tầng chúng tôi hiểu rõ làm sao tiết kiệm được trong làm đường. Chứ dự án nếu giải phóng mặt bằng nhanh mà thiếu vốn nằm phơi nhiều năm thì rất lãng phí.

Nhưng sự tham gia giám sát cần phù hợp với khả năng, ví dụ chúng tôi vào giám sát các dự án kinh tế thì rất nhanh, loáng qua hồ sơ 1 cái là biết. Trên cơ sở đó thì có thể đóng góp kinh nghiệm cho họ nữa chứ không phải chờ họ làm be bét rồi mới kỷ luật.
Theo Nguyễn Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.