Tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra ở hầu hết các quận, huyện ở Hải Phòng, nhất là vùng ven đô.

Đồng Linh (nằm lọt trong khu dân cư An Đà) là khu đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công ích do phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng quản lý. Từ bốn năm nay, nơi đây trở thành điểm nóng về tình trạng xây nhà trái phép.

Xây cả biệt thự trên đất nông nghiệp

Ban đầu, một số người đem gạch vữa phế thải san lấp khu đồng, sau đó dựng lên vài căn nhà tạm. Sau đó, lác đác có thêm một số nhà lấn chiếm khác.

Đến năm 2010, làn sóng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại đồng Linh bắt đầu lan rộng. Chỉ trong vài tháng, hàng chục căn nhà đã mọc lên, mỗi căn rộng khoảng 100 m2, tạo thành cả một dãy phố thẳng tắp bám con đường đất mấp mô. Quy mô nhất là khu phố nằm ở ngõ 89 An Đà với cả dãy nhà kiên cố cao 2-3 tầng cùng một căn biệt thự hoành tráng. Quanh đó còn hàng chục mảnh đất nông nghiệp rộng hàng trăm mét vuông đã san lấp, xây tường bao. Cạnh khu nhà cao tầng, có chừng 2.000 m2 đất nông nghiệp vốn thuộc HTX nông nghiệp Đằng Giang quản lý từ lâu cũng bị Công ty Cổ phần 13-5 “nuốt trọn” vào khuôn viên trụ sở.

Tại phường Đằng Giang còn một điểm nóng lấn chiếm xây dựng trên đất nông nghiệp là khu vực cây đa 13 gốc. Theo thống kê của quận Ngô Quyền, tại đây có hơn 10.000 m2 đất nông nghiệp đã bị các hộ dân xây dựng trái phép thành nhà xưởng, nhà trọ và nhà ở.

Một số căn nhà xây trái phép tại khu đồng Linh (phường Đằng Giang) đã bị giải tỏa. Những căn nhà cao tầng (phía sau) cũng đang bị đưa vào “tầm ngắm”. Ảnh: KIM LINH

Không chỉ riêng quận Ngô Quyền, tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp còn diễn ra ở hầu hết các quận, huyện ở Hải Phòng, nhất là vùng ven đô. Hiện đất nông nghiệp được mua bán sôi động nhất là các khu Niệm Nghĩa (quận Lê Chân), Đằng Lâm (quận Hải An), An Đồng (huyện An Dương), Đồng Hòa (Kiến An)… Giá đất thường dao động 3-8 triệu đồng/m2, những nơi đường sá thuận tiện có thể lên 15 triệu đồng/m2.

“Dọn dẹp” nhà lấn chiếm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng, diện tích đất nông nghiệp của TP đang bị thu hẹp đến chóng mặt. Chỉ từ năm 2006 đến 2010, đã có hơn 2.800 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và nhà ở. Trước tình hình trên, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương phải kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Từng xã, phường phải rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, họp bàn cùng cơ quan chuyên môn tìm biện pháp quản lý hiệu quả.

Trong năm 2011, quận Ngô Quyền đi đầu trong việc cưỡng chế các công trình lấn chiếm đất nông nghiệp. Từ đầu năm tới nay, quận Ngô Quyền đã tổ chức hai đợt cưỡng chế, giải tỏa 32 căn nhà lấn chiếm ở khu đồng Linh (phường Đằng Giang) và trụ sở Công ty TNHH Khánh Minh tại khu Ðình Vàng (phường Ðông Khê). Quận cũng đã lên phương án cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của Công ty 13-5 và gần 60 hộ dân thuộc phường Đằng Giang. Liên quan đến trách nhiệm quản lý, UBND quận Ngô Quyền vừa có quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Thắng Lợi - Chủ tịch và ông Phạm Khắc Liên - Phó Chủ tịch UBND phường Đằng Giang, khiển trách hai cán bộ địa chính và quản lý đô thị.

Sau quận Ngô Quyền, các quận, huyện khác cũng bắt đầu siết chặt quản lý quỹ đất nông nghiệp, thu hồi những diện tích sử dụng trái mục đích để thực hiện các dự án cũng như bán đấu giá tăng ngân sách cho TP.

Phường Đằng Giang có gần 14 ha đất nông nghiệp nhưng nhiều diện tích đã bị chuyển nhượng, xây dựng nhà trái phép. Tại phường Đông Khê cũng có không ít đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”. Nguyên nhân là trong thời gian qua chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý.

Ông ĐÀO ĐÌNH TUẤN,
Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Ngô Quyề

tag: hai phong, xay nha tren dat nong nghiep, pha bo3 nha2 tren dat nong nghiep
Cafeland.vn - Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland