Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, nguyên nhân dẫn tới các dự án “treo” là do các cơ quan chức năng chưa thẩm định kỹ tính khả thi dự án đầu tư trước khi cấp giấy phép; việc nghiên cứu giới thiệu địa điểm đầu tư, xác định quy mô sử dụng đất chưa sát, chưa phù hợp với thực tế, yêu cầu công năng của dự án và quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các quận, huyện…
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý việc quản lý, sử dụng đất của cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương chưa thường xuyên, không kịp thời. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư (người sử dụng đất) hạn chế về năng lực đầu tư như: chuẩn bị nguồn vốn, nghiên cứu thị trường, lựa chọn công nghệ, kinh nghiệm, quản lý nên không chủ động thực hiện đúng tiến độ. Nhà đầu tư sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển nhượng trái phép hoặc để bị lấn chiếm, thậm chí lợi dụng việc lập dự án để xin thêm đất để đầu tư trục lợi.
Từ 2003 - 2011, TP Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi 79 dự án với tổng diện tích 1.2219ha chuyển cho nhu cầu khác như: đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển giao cho các nhà đầu tư khác đưa vào sử dụng cùng mục đích sử dụng đất hoặc bàn giao lại cho địa phương quản lý để tiếp tục sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Trong 2 năm 2012 - 2013, qua thanh tra, kiểm tra các tổ chức được giao đất, thuê đất trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã lập hồ sơ xử lý 28 tổ chức sử dụng đất. Trong đó, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi đất của 6 tổ chức với diện tích trên 127ha.
Theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, các cơ quan chức năng cần rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng chỉ quy hoạch; thông báo thu hồi đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không có khả năng thực hiện trình UBND thành phố thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; chứng chỉ quy hoạch; thu hồi lại đất để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực đầu tư thực sự; những dự án chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa san lấp thì thu hồi giao lại cho địa phương quản lý để tiếp tục sản xuất nông nghiệp hoặc giao cho các nhu cầu an sinh xã hội của địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai đối với các tổ chức trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết thu hồi đất đã giao, cho thuê nhưng không triển khai đầu tư, sử dụng đất không hiệu quả; sử dụng sai mục đích (chú trọng đất nông nghiệp đã chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích trái pháp luật) đề xuất xử lý dự án được tiếp tục triển khai, dự án cần tạm dựng, dự án cần điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.