23/07/2012 3:16 PM
Được kỳ vọng là sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên hai dự án Khu tái định cư Hòa Phú và dự án Khu du lịch sinh thái (xã Phú Mãn, Quốc Oai, Hà Nội) lại nhanh chóng bị "chết yểu” sau khi khởi công. Gần 10 năm qua, dự án trăm tỷ này ngập cỏ dại trong khi đó người dân thì sống dở, chết dở vì mất đất, không có việc làm.
Dự án khu tái định cư Hòa Phú (xã Phú Mãn) treo gần 10 năm khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn
Dự án Khu tái định cư Hòa Phú do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) làm chủ đầu tư bắt đầu xây dựng từ năm 2003 trên địa bàn xã Phú Mãn. Dự án được quy hoạch rất qui mô, hoàn chỉnh với số tiền đầu tư lên tới cả trăm tỷ đồng gồm các hạng mục: Nhà ở, bệnh xá, khu vui chơi giải trí, trường học, công viên, khu mua sắm, các nhà máy, xí nghiệp. Trên 60 ha đất nông nghiệp (chiếm khoảng 60% diện tích đất canh tác của toàn xã) đã bị thu hồi để phục vụ cho dự án. Người dân 5/6 thôn bị thu hồi ruộng canh tác nên phải chuyển đổi sang nghề khác để kiếm sống. Dự án được nhà thầu san lấp mặt bằng khoảng 20 ha thì không hiểu lý do gì công trình bị đình trệ thi công, dẫn đến việc bỏ hoang.
Tình trạng này khiến hàng trăm hộ dân trong xã điêu đứng vì không có đất để sản xuất. Mọi hi vọng về tương lai lụi tàn theo năm tháng. Nông dân mất đất, mất ruộng không có việc làm đành đi làm thuê khắp nơi, thu nhập bấp bênh, đời sống cơ cực. Diện tích đất nông nghiệp ít ỏi còn lại không thể canh tác vì thiếu nước do hệ thống kênh mương dẫn nước bị phá hủy hoàn toàn. Ông Bùi Văn Diện (người dân thôn Đồng Âm) than phiền: "Khi giao đất ai cũng hi vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn sau khi dự án hoàn thành. Thế nhưng hơn 9 năm nay, dự án vẫn nằm im bất động… Dân ở đây chủ yếu là dân nghèo lại không có nghề phụ nên đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Thanh niên, trai trẻ còn đi làm thuê kiếm sống được, chứ những người già sức yếu như chúng tôi chỉ biết quanh quẩn với vài con gà, con lợn, sống thoi thóp qua ngày…”. Còn chị Bùi Thị Hoa (thôn Cổ Rùa) bức xúc: "Giá bồi thường thu hồi đất làm dự án rất rẻ mạt, nhưng vì lợi ích chung, vì tương lai nên chúng tôi chấp nhận và ủng hộ. Ai dè… kết quả như các anh thấy đấy. Nhà tôi có 5 sào, thì bị thu hồi 3 sào ruộng còn lại 2 sào cũng không thể cấy vì thiếu nước, thành ra cả nhà mỗi người đi làm thuê một nơi. Là nông dân mà không có ruộng thì chỉ có chết đói thôi”.
Quan sát tại khu dự án tái định cư Hòa Phú, đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh hoang vu đến lạnh người. Toàn bộ diện tích dự án ngập trong cỏ dại, tấm biển của dự án đã hoen rỉ gần hết, cạnh đó là một khu bệnh xá 2 tầng hoành tráng nhưng xây dở dang. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Thạch - Bí thư Đảng ủy xã Phú Mãn cho biết: "Xã Phú Mãn là xã miền núi nghèo, nay lại vướng dự án treo khiến cuộc sống của người dân thêm kiệt quệ, nhân dân rất bất bình. Chính quyền xã cũng đang đau đầu về vấn đề này. Năm nào cũng kiến nghị lên huyện, lên thành phố có hướng giải quyết thực trạng này nhưng kiến nghị nhiều vẫn không giải quyết được gì…”. Ông Đinh Công Hạnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Mãn trăn trở: "Xã Phú Mãn tổ chức các lớp nghề thủ công cho nhân dân nhưng không duy trì được vì không hiệu quả nên mọi người bỏ đi nơi khác làm thuê. Nhân dân mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng lại tuyến kênh mương, phục vụ tưới tiêu cho bà con tiếp tục sản xuất trên diện tích đất canh tác còn lại. Mặt khác tiếp tục hoàn thiện nhà bệnh xá để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nếu dự án không tiếp tục triển khai nữa thì phải nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng chứ bỏ không như thế thì lãng phí, xót xa quá…”.
Cũng trên địa bàn xã Phú Mãn, Công ty THHH Hà Phú thực hiện dự án khu du lịch sinh thái trên diện tích khoảng 140 ha. Tuy nhiên sau khi được giao đất, phía công ty Hà Phú cũng không triển khai gì, khiến dự án này cũng bị "chết yểu” từ năm 2007 đến nay. Mặt khác, lãnh đạo xã Phú Mãn cho biết: theo dự toán, phần đền bù, giải phóng mặt bằng phía doanh nghiệp phải giao cho xã quản lý là 17 tỷ đồng. Thời hạn cam kết giao tiền giữa doanh nghiệp và UBND xã là hết năm 2010. Trên thực tế đến nay, phía Công ty chỉ nộp cho xã 1 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến nay, dự án khu du lịch sinh thái cũng "nằm im bất động” bỏ hoang hóa trong khi người dân rất "khát” đất để sản xuất.
Chứng kiến cảnh này, chúng tôi không khỏi xót xa khi trên một xã nghèo có tới hai dự án tiền tỷ bỏ phí vô ích, càng xót xa hơn khi người dân nơi đây đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp, không việc làm. Để tình trạng này kéo dài trong nhiều năm như vậy không biết các ngành chức năng có "đau lòng” không..?
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.