Cùng với việc thông qua bản quy hoạch Thủ đô, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát lại các đồ án, dự án trên địa bàn.
Theo UBND Thành phố, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hà Nội phải rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn hồi cuối năm 2009, Thành phố đã lập danh mục các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng phù hợp, lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, báo cáo Thành ủy Hà Nội, trình Thủ tướng xem xét.
Cụ thể, trong tổng số 744 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đã được rà soát, UBND Thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai đợt 1 là 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư vào tháng 4/2010.
Cùng với đó, Thủ tướng giao UBND Thành phố tiếp tục rà soát các dự án còn lại, báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Thành phố báo cáo Thủ tướng và kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai 176 dự án, đồ án, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ Chính phủ.
Như vậy, theo UBND Thành phố, cho đến thời điểm quy hoạch chung xây dựng thủ đô được thông qua, Hà Nội còn khoảng 500 đồ án, dự án chưa được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai.
Đối với các đồ án, dự án được tiếp tục triển khai theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng (244 đồ án, dự án), có 153 đồ án, dự án đã và đang triển khai thực hiện không phải điều chỉnh quy hoạch. Đối với các đồ án cơ bản phù hợp quy hoạch chung nhưng cần điều chỉnh có 76 đồ án, dự án đang làm thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch, cấp chứng chỉ quy hoạch tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện các đồ án, dự án còn gặp khó khăn trong thực hiện, do quy hoạch phân khu, quy hoạch các đô thị vệ tinh hầu hết chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên chưa đủ cơ sở pháp lý triển khai điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng.
Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, dẫn đến việc khiếu kiện, thay đổi phương án giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến phương án khai thác đầu tư các dự án, nhất là các dự án thuộc địa bàn Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất (thuộc tỉnh Hà Tây và Hòa Bình trước đây).
Mặt khác, do tình hình khó khăn về kinh tế như lạm phát, lãi suất ngân hàng ở mức cao, thị trường bất động sản suy giảm, nhà đầu tư gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các dự án phát triển, kinh doanh bất động sản.
Trước thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội dự tính, trong năm 2012, Thành phố phải triển khai 160 đồ án và quy chế xây dựng, trong đó có 34 đồ án quy hoạch phân khu, tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu cho các khu vực trước đây chưa có quy hoạch nhằm tháo gỡ cho các dự án có cơ sở để triển khai thực hiện.