Nhà siêu mỏng, siêu méo tràn lan tại nhiều tuyến đường mới mở ở Hà Nội. (Ảnh chụp tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến).
Ảnh: Minh Tuấn .
Đó là nội dung dự thảo Quy định quản lý kiến trúc đối với các công trình nhà ở liền kề, nhà ở riêng lẻ xây dựng hai bên tuyến đường đô thị mà Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (Sở QHKT) vừa hoàn tất.
Với các công trình nhà ở liền kề, nhà ở riêng lẻ nằm hai bên tuyến đường đô thị có mặt cắt đường từ 7m trở lên, Sở QHKT đề xuất, nếu các lô đất có diện tích từ 30m2 trở lên và bề rộng lô đất không nhỏ hơn 3m thì đủ điều kiện về đất để xây dựng.
Đối với công trình nhà ở liền kề, nhà ở riêng lẻ nằm
độc lập, không theo tuyến thì tỷ lệ giữa chiều cao công trình (tính từ
cao độ vỉa hè đến diềm mái) với chiều rộng công trình (kích thước mặt
tiền), giữa chiều cao công trình với chiều sâu công trình tối đa không
quá 3 lần kích thước cạnh nhỏ. Dàn hoa, mái che cầu thang có chiều cao
tối đa 3m, tính từ sàn sân thượng. Diện tích phần mái che cầu thang
không được lớn hơn 1/2 diện tích sàn sân thượng và phải có khoảng lùi
phía trước.
Đại diện Sở QHKT Hà Nội cho hay, quy định này không
điều chỉnh các khu đô thị mới, khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ
1/500, có thiết kế đô thị, tuyến đường đã được phê duyệt quy hoạch chi
tiết hai bên tuyến đường và một số đối tượng khác như: nhà ở chung cư,
công trình công cộng, trụ sở cơ quan...
Chiều cao các công trình nằm trong khu vực đặc thù như khu Trung tâm chính trị Ba Đình, phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận, khu vực ven hồ Tây, ven thành cổ Sơn Tây, thành cổ Cổ Loa... sẽ được xem xét theo quy chế riêng.
Theo luật Quy hoạch đô thị 2010, việc lập quy hoạch tuyến đường đồng thời với lập quy hoạch hai bên tuyến đường (mỗi bên khoảng 50m) đã được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tuyến đường được lập quy hoạch hai bên tại các khu vực đông dân cư có thể chưa hoặc không tiến hành giải phóng mặt bằng công trình hai bên.
Quy định rõ tầng cao từng tuyến phố
Ông Trần Viết Ngôn, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà
Nội, cho rằng việc quản lý quy hoạch kiến trúc nhà mặt phố tiến hành
nhưng còn bất hợp lý. 24 tuyến phố chính thì do Sở Xây dựng cấp phép,
còn lại phân cấp cho các quận, huyện. Theo quy định, nhà riêng lẻ mặt
phố khi xây dựng trên 200 m2 sàn thì phải do tổ chức, doanh nghiệp có
tư cách pháp nhân đứng ra thiết kế và thi công nhưng thực tế rất lộn
xộn.
Theo ông Ngôn, luật quy định phải có thiết kế đô thị
trước khi cấp phép nhưng thực tế vẫn chưa có. Trước đây, khi mở rộng
các tuyến phố, chỉ có một số văn bản hướng dẫn về chỉnh trang, chứ chưa
có quy định cụ thể dẫn đến quản lý quy hoạch kiến trúc tại đây còn rất
yếu.
“Quy hoạch kiến trúc phải luôn đi đầu. Cấp phép chỉ là
thủ tục cuối cùng. Cần quy định rõ tầng cao của từng tuyến phố. Thực tế
là tỷ lệ xây dựng có phép chiếm từ 80-90% tại các quận; các huyện ngoại
thành thì số lượng được cấp phép xây dựng còn rất ít. Không chỉ các
tuyến phố cổ, phố cũ mà ngay cả các khu đô thị mới, tuyến phố mới, việc
quản lý sau cấp phép còn rất hạn chế, nhiều nơi đua nhau điều chỉnh quy
hoạch cục bộ, cơi nới lấn chiếm”, ông Ngôn lo ngại.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc nhà mặt phố riêng lẻ trước đây đã có nhưng thiếu cụ thể và cần bổ sung. Nhưng quy định thế nào cho phù hợp là điều cần nghiên cứu kỹ, có cơ sở khoa học để tránh áp đặt cho người dân về chiều cao, về kiến trúc từng tuyến cũng như tránh kẽ hở tạo ra sự tuỳ tiện trong cấp phép.
Công trình nhà riêng lẻ xây dựng mới, tạo thành đoạn phố, dãy phố, có quy mô công trình, có chiều rộng tương đương thì phải đồng nhất về hình thức kiến trúc, cốt các tầng. Đối với công trình có tính hướng dẫn hay không gian quảng trường thì không sử dụng màu sắc quá mạnh như tím, đỏ, màu sắc quá tối, quá sẫm, quá chói... |