Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, Quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung TP Hà Nội là yếu tố quyết định đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tình trạng quy hoạch thiếu tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã xảy ra ở một số nơi, nhất là các dự án thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây và Hòa Bình (cũ) sáp nhập về Hà Nội chưa phù hợp với định hướng phát triển thủ đô, do đó UBND TP Hà Nội đã quyết dừng triển khai 192/398 đồ án quy hoạch với tổng diện tích 19.607 ha để rà soát lại và có phương án xử lý cho phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội mới được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.
Trong đó, đối với Hà Nội, mặc dù đã có quy hoạch tổng thể tuy nhiên sau 12 năm được phê duyệt không có sự điều chỉnh, đã phát sinh nhiều tồn tại, bất cập như tốc độ đô thị hóa nhanh làm tăng dân số cơ học, khu vực trung tâm thành phố khó kiểm soát, phá vỡ quy mô, cơ cấu dân số.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch đã xuất hiện yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh cục bộ một số khu chức năng và phát triển đô thị tại một số khu đô thị xã Xuân Phương, khu Sài Đồng A...
Việc quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng các khu đô thị còn dàn trải, chưa đồng bộ, nhất là khu vực mới được hợp nhất vào Hà Nội dẫn đến quy hoạch Thủ đô mới khắc phụ, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết mà trước đó đã được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt theo định hướng phát triển riêng của mỗi địa phương. Tuy nhiên, kiến trúc đô thị một số nơi còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, chưa tạo được một hệ thống vững chắc, ổn định làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, thiếu diện tích cây xanh, công viên, bãi đỗ xe...
Đối với quy hoạch xây dựng tỉnh Hà Tây, tỉnh Hà Tây cũ không có quy hoạch xây dựng chung của toàn tỉnh, chỉ có quy hoạch một số thị xã, thị trấn như thị xã Hà Đông, khu đô thị Quốc Oai, thị trấn trạm Trôi, thị xã Sơn Tây... Do vậy, việc lập và phê duyệt 397 đồ án với diện tích 47 ngàn ha được quy hoạch các khu đô thị, nhà ở và du lịch, dịch vụ là không có cơ sở định hướng quy hoạch chung, tự phát.
Cụ thể, huyện Hoài Đức từ năm 2001 đến nay không có quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị, toàn huyện đã có 55 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2000 được duyệt nhưng hiện nay toàn bộ các dự án này phải rà soát lại theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 mới được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, 7 đồ án phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết trước khi có quy hoạch sử dụng đất được duyệt là các dự án như khu đô thị mới Vân Canh, Bắc quốc lộ 32, 2 bên đường Lê Trọng Tấn, đại học Vân Canh, Sơn Đồng và khu du lịch sinh thái Thiên đường Bảo Sơn.
Đối với quận Hà Đông, việc triển khai phê duyệt quy hoạch chi tiết 9 dự án đô thị, dự án nhà ở, dự án công trình công cộng có sự điều chỉnh sai khác về chức năng sử dụng đất so với quy hoạch chung thành phố Hà Đông được phê duyệt.
Đối với huyện Quốc Oai, UBND huyện không lập quy hoạch xây dựng chung toàn huyện, chỉ có 1 đồ án quy hoạch chung cho khu đô thị Quốc Oai được duyệt năm 2006. Thực tế có 15/26 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500 được UBND huyện phê duyệt đã điều chỉnh chức năng sử dụng đất khác so với quy hoạch chung.
Đối với huyện Thạch Thất, không có quy hoạch xây dựng chung cho toàn huyện và quy hoạch chung xây dựng đối với vùng hoặc thị trấn. Trên địa bàn huyện đến nay có tổng số 26 đồ án với tổng diện tích 4.732 ha, các dự án đều đang rà soát theo chủ trương của Thành phố.