Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng đô thị xanh
Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã nhiều lần quy hoạch, mở rộng TP nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Sau gần 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Hàng loạt khu phố cũ, đồng ruộng, sình lầy đã trở thành những khu đô thị mới văn minh, hiện đại như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm, Mỹ Đình... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối như cầu cống, đường vành đai, đường sắt đô thị từng bước được xây dựng theo quy hoạch. Giao thông đô thị Hà Nội được cải thiện với những đại lộ lớn như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc...
Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông... do gia tăng dân số cơ học, nhất là di dân từ các tỉnh, khu vực phụ cận vào TP. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, sau khi được mở rộng địa giới hành chính, năm 2008, dân số của Thủ đô là 6,35 triệu người. Đến tháng 12-2011 tăng lên 6,87 triệu người.
Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 định hướng đến năm 2050, mục tiêu phát triển dân số của Hà Nội đến năm 2015 là 7,2 - 7,3 triệu người, đến năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người. Song theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, dân số Thủ đô hiện đã có hơn 8 triệu người, trong đó, 7,3 triệu dân có hộ khẩu Hà Nội, số còn lại là người nhập cư. “Hiện tượng di cư vào nội đô để tìm kiếm việc làm là bình thường song dẫn đến quá tải đô thị”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhận định.
Theo Chủ tịch TP, hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thành phố đang phát triển giao thông công cộng song nguồn lực chưa đủ, trong khi phương tiện cá nhân gia tăng 10-11% mỗi năm. Nhiều dự án đường mới mở vẫn không đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện. Vấn đề nhà ở, cải tạo chung cư cũ vẫn là bài toán chưa có lời giải. “Nguồn lực cho xây dựng hạ tầng ngày càng khó khăn. Đó là vấn đề không hề đơn giản”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nói.
Hà Nội sẽ là một đô thị xanh
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, trong quá trình phát triển, Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức cần quan tâm như sự gia tăng dân số thiếu kiểm soát; việc di dời, cải tạo các khu vực không phù hợp ra khỏi nội thành (cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường ĐH-CĐ, trụ sở bộ, ngành). Cùng với đó, TP cần có đột phá về cải tạo, phát triển hạ tầng. Thực tế nhiều tuyến đường đã có dự án nhưng chưa triển khai được, như tuyến Trần Khát Chân - Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Mạng lưới các điểm, bến, bãi đỗ xe đã có những nghiên cứu, điều chỉnh song kết quả chưa đạt được.
KTS Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, còn tình trạng nhiều khu vực, tuyến phố nhếch nhác, đặc biệt là nhà siêu mỏng, siêu méo chưa được xử lý triệt để. Có tình trạng này là do đầu tư nóng vội không theo quy hoạch. “Do năng lực, trình độ quản lý còn hạn chế, quy hoạch chưa đi trước, quản lý đô thị chưa chú trọng đến kiến trúc công trình nên thiếu công cụ để quản lý”, ông Bùi Xuân Tùng đánh giá. Bên cạnh đó, ý thức xây dựng đô thị văn minh của đa số cá nhân, tổ chức còn chưa cao và việc kiểm tra chưa kiên quyết, triệt để.
Dù vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã hướng đến mục tiêu đô thị xanh, là một trung tâm chính trị hành chính quốc gia, đô thị phát triển đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện quy hoạch theo yêu cầu phát triển.