Hiện, tại không ít các Quận, huyện nội đô đang tồn tại hai dạng quy hoạch khác nhau trên cùng một mảnh đất. Việc buông lỏng quản lý đã khiến cho công tác quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn, bởi những cách hiểu sai, hay đúng hơn là sự chồng chéo giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn mới. Vậy đâu là nguyên nhân? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những việc làm tắc trách này?
Việc để hai dạng quy hoạch cùng tồn tại song song trên một mảnh đất đang gây lãng phí, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chung của Thủ đô. (Ảnh: TL)
Theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội được quy hoạch thành dải đất rộng khi sát nhập thêm huyện Hà Tây…, trong đó nêu rõ đây là quy hoạch khu vực đô thị, phân khu đô thị. Vậy mà thời gian dài UBND TP. Hà Nội đã phát động, yêu cầu UBND các cấp quận, huyện xây dựng quy hoạch nông thôn mới. Chính điều đó đã khiến hàng trăm các quy hoạch nông thôn ra đời giữa lòng Hà Nội, khiến người dân không hiểu, lãnh đạo “ngỡ ngàng”, bởi không biết phải thực hiện thế nào? Đây cũng chính là căn nguyên dẫn đến những chồng chéo và cách hiểu sai về quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.
Kết quả thanh tra về công tác quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một số quận, huyện thuộc địa bàn thành phố Hà Nội như huyện Phú Xuyên, Gia Lâm, Quận Nam Từ Liêm… cho thấy, những địa bàn này ít quan tâm đến lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch lập phân khu đô thị theo quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, mà chỉ lập quy hoạch nông thôn. Và trong thời gian gần đây, UBND thành phố đã phê duyệt các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn các quận, huyện này. Điều đó có nghĩa, tại một địa bàn quận huyện hoặc một mảnh đất đang tồn tại hai loại quy hoạch khác nhau.
Cụ thể, tại quận Nam Từ Liêm, UBND Quận Nam Từ Liêm đã tổ chức lập 6 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì Quận Nam Từ Liêm (trước đây là huyện Từ Liêm) là một khu vực đô thị cấu thành đô thị Hà Nội. Qua thanh, kiểm tra tra cho thấy, UBND huyện Từ Liêm đã tổ chức lập 6 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, mà nội dung đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới lại khác hoàn toàn với nội dung của quy hoạch phân khu đô thị. Vậy là không phù hợp, bởi hai loại quy hoạch không thể nằm song hành trên cùng một mảnh đất!
Kết luận thanh tra số 316/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại huyện Gia Lâm mới đây cũng cho thấy sự chồng chéo tương tự giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Cụ thể về quy hoạch xây dựng NTM tỷ lệ 1/5000 và 1/2000 được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt trước tháng 8/2012, thì chủ trương lập quy hoạch xây dựng NTM tại 14/20 xã có nhiều chồng chéo. Theo đó, quy hoạch xây dựng NTM của các xã Yên Viên, Yên Đường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Dương Hà, Phù Đổng, Cổ Bi, Phú Thị, Đặng Xá, Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Bát Tràng, Đông Dư có toàn bộ diện tích nằm trong 06 Quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2000; N9, N11, GN, sông Hồng (đoạn từ cầu Đông Hà đến cầu Phù Đổng), tỷ lệ 1/5000 và Quy hoạch chi tiết phía Tây Nam Gia Lâm, tỷ lệ 1/2000.
Hiện nay, UBND TP.Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm và UBND các xã nêu trên đang thực hiện việc quản lý quy hoạch xây dựng, cấp GPXD và đầu tư xây dựng công trình theo Quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2000, N9,N11, tỷ lệ 1/5000.
Như vậy, việc lập, thẩm định và phê duyệt 14/20 hồ sơ Quy hoạch xây dựng NTM của các xã nêu trên là chồng chéo, không hiệu quả và gây khó khăn trong công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Trao đổi về vấn đề này, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ được coi là “pháp lệnh”, công cụ để quản lý quy hoạch xây dựng. Do vậy, nếu chuyển đổi quy hoạch đô thị thành quy hoạch nông thôn mới thì bắt buộc phải điều chỉnh quy hoạch chung và phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Thực tế không thể để hai dạng quy hoạch cùng tồn tại trên cùng một mảnh đất, như vậy là lãng phí và không đúng với quy định pháp luật.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt hàng trăm các đồ án quy hoạch nông thôn mới, các đồ án sau đó lại được thay thế dần bởi các đồ án phân khu đô thị. Điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao giữa Thủ đô Hà Nội lại có câu chuyện “ấu trĩ” xảy ra như vậy? Chuyện tưởng đùa, nhưng lại là sự thật! Bởi hàng trăm tỷ từ mồ hôi nước mắt của nhân dân bỏ ra, nhưng chỉ để để lập lên những bộ hồ sơ rồi “cất xó”.
Trách nhiệm này thuộc về ai? Ngoài việc tốn kém về vật chất, chính quyền cấp huyện khi thì bảo thực hiện theo đồ án quy hoạch nông thôn mới, lúc thì bảo thực hiện theo đồ án quy hoạch phân khu chức năng. Việc làm này không chỉ gây lãng phí, khó khăn cho công tác quản lý, mà còn khiến cho đại bộ phận người dân phẫn nộ, bức xúc.
Kim Thoa (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.